Tìm việc trái ngành là một thách thức lớn, đặc biệt khi bạn đã dành nhiều thời gian và công sức cho lĩnh vực chuyên môn bạn được đào tạo trước đó. Tuy nhiên, với những bí quyết phù hợp, bạn hoàn toàn có thể chuyển việc thành công sang một lĩnh vực mới mà không lãng phí kiến thức bạn đã học được.
Dưới đây là 5 bí quyết giúp tìm việc trái ngành hiệu quả ở Đà Lạt, TPHCM, Hà Nội… hãy cùng tham khảo nhé.
Xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp
Bạn muốn thử thách bản thân, theo đuổi đam mê hay cải thiện mức lương? Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? Câu hỏi này giúp bạn xác định lại động lực, mục tiêu với công việc mới.
Sau đó, bạn nên xem xét yêu cầu công việc, xu hướng ngành nghề và kỹ năng cần thiết để đánh giá mức độ phù hợp với bản thân và khả năng thành công trong công việc. Khi vẽ “chân dung” cụ thể về công việc trái ngành, bạn xây dựng lộ trình phù hợp với mục tiêu và năng lực bản thân. Ví dụ, muốn chuyển sang lĩnh vực kinh doanh, bạn cần xác định rõ bản thân nên bắt đầu từ vị trí nào, quản lý hay nhân viên bán hàng.
Xác định vị trí phù hợp giúp bạn vừa có niềm tin khi tìm việc vừa dễ dàng tìm được công việc phù hợp, tránh trường hợp đạt mục tiêu quá cao hoặc quá thấp.
Tập trung vào các kỹ năng chuyển đổi
Mỗi công việc cần kỹ năng khác nhau, nhưng có những nhóm kỹ năng có thể chuyển giao từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Điều đó có nghĩa là kiến thức bạn thu nạp được vẫn sẽ được sử dụng tốt cho dù bạn chuyển sang ngành nghề khác. Chúng bao gồm các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm, tư duy phản biện… Phát triển những kỹ năng này sẽ giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng, ngay cả khi bạn không có kinh nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực mới.
Ví dụ: Nếu đã làm việc trong ngành bán hàng, bạn cần tận dụng tối đa các kỹ năng như: lắng nghe, giao tiếp và thuyết phục người khác. Đây là những kỹ năng mà bất kể ngành nghề nào cũng cần nếu muốn thành công.
Ngoài ra, bạn nên bắt tay vào việc rèn luyện các kỹ năng cụ thể mà ngành, công việc bạn chuyển hướng yêu cầu. Hãy tham gia các khóa học những kỹ năng này và thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy. Bởi tinh thần chủ động học tập để đáp ứng yêu cầu công việc mới luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Tận dụng mạng lưới mối quan hệ
Tìm việc trái ngành không dễ ngay cả khi bạn bắt đầu với vị trí thực tập. Bởi ở lĩnh vực mới, là ứng viên chưa có kinh nghiệm, bạn vấp phải cạnh tranh gay gắt với ứng viên có kinh nghiệm.
Ngược lại, nhờ sự giới thiệu của người quen, đồng nghiệp cũ, quá trình xin việc trái ngành của bạn có thể dễ dàng hơn. Bởi nhà tuyển dụng thường có xu hướng tin tưởng các ứng viên được giới thiệu từ người mà họ biết.
Chưa kể, bạn sẽ nhận được thông tin quý giá về các công ty, vị trí tuyển dụng và yêu cầu công việc trong ngành mới. Họ cũng chia sẻ kinh nghiệm, lời khuyên hữu ích giúp bạn có chiến lược tạo CV và phỏng vấn phù hợp.
Bởi vậy, hãy liên tục mở rộng mối quan hệ, kết nối với người làm việc trong ngành mới hoặc tham gia các hội thảo, hội nghị hoặc sự kiện liên quan đến lĩnh vực bạn muốn tham gia để tìm kiếm cơ hội việc làm trái ngành.
Sẵn sàng thực tập/tham gia dự án tình nguyện
Thực tập hoặc tham gia các dự án tình nguyện là cách hiệu quả để bạn học hỏi quan sát và trải nghiệm công việc ở lĩnh vực mới. Điều này giúp bạn có thêm kinh nghiệm thực tế liên quan đến công việc mới. Nhà tuyển dụng đánh giá cao điều này bởi họ cho rằng bạn là ứng viên có sự chuẩn bị cho công việc mới.
Ngoài ra những công việc này cũng giúp bạn mở rộng mối quan hệ. Có thể từ mối quan hệ này, bạn được giới thiệu công việc chính thức phù hợp. Do đó, đừng ngần ngại tìm kiếm các chương trình thực tập, dự án tình nguyện, những công việc cho người mới bắt đầu liên quan đến lĩnh vực bạn muốn chuyển đổi.
Thể hiện phẩm chất phù hợp
Thay vì nhấn mạnh kinh nghiệm thì khi xin việc trái ngành, bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy bản thân sở hữu phẩm chất phù hợp công việc mới, khởi đầu mới.
Trong CV cũng như quá trình phỏng vấn bạn cần làm nổi bật một số phẩm chất như: khả năng học hỏi, thích nghi nhanh, sự đam mê, kiên trì, sẵn sàng đối diện thử thách. Đây là nhóm phẩm chất cần thiết để bắt đầu với việc mới đặc biệt là công việc trái ngành.
Ngoài ra, bạn cũng cần nêu rõ lý do tìm việc trái ngành, làm rõ lợi thế khác biệt nhờ công việc cũ để thuyết phục nhà tuyển dụng. Khi trình bày, cần đảm bảo sự trung thực và chân thành. Điều này giúp tạo niềm tin và ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ngay cả khi bạn không có kinh nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực mới.
Nguyễn Lý