UX/UI Designer – Thiết kế giao diện/trải nghiệm người dùng là một trong những ngành mới và có cơ hội phát triển rất cao, tiềm năng trong tương lai. Nếu đã sở hữu những kỹ năng liên quan đến vị trí này và đang trong quá trình tìm việc, bạn vẫn nên lưu ý một số yếu tố cần thiết khi viết CV. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung được giá trị cũng như khả năng của bạn có đủ để tham gia vào công ty của họ hay không.
Mục tiêu nghề nghiệp và định hướng
Đây là một trong 5 điều cần có trong CV khi tìm việc làm thiết kế UI UX mà bạn cần phải cực kỳ lưu ý. Nó tương tự như một phần sơ lược để nhà tuyển dụng có thể biết được thông tin khái quát về ứng viên thông qua cách họ tự đánh giá về bản thân. Nếu phần này không đủ hấp dẫn, họ sẽ không có ý định xem tiếp các thông tin tiếp theo.
Trong CV của UX/UI Designer thì cách viết được đề xuất cho phần mục tiêu nghề nghiệp để tạo ấn tượng cho nhà tuyển dụng sẽ có:
Background – bạn học ngành gì, có kinh nghiệm làm việc như thế nào, bao nhiêu năm
Skills – một số kỹ năng thế mạnh liên quan đến vị trí ứng tuyển
Career objectives – mục tiêu nghề nghiệp, định hướng trong 2-3 năm sau có thể tạo được những giá trị như thế nào cho công ty.
Ví dụ: Hiện tại tôi là một UX Designer có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong mảng thiết kế trang web. Thông qua việc tạo ra những bản thiết kế tăng tính tương tác, thân thiện với người dùng và đầy đủ dữ liệu, tôi đã giúp tăng 20% tỷ lệ truy cập của người dùng. Với những kỹ năng và thành tích nêu trên, tôi hoàn toàn có khả năng giúp cho công ty ABC hoàn thành những dự án lớn với vai trò Team Lead.
Kinh nghiệm của UX/UI Designer
Phần kinh nghiệm được xem là vô cùng quan trọng trong CV của UX/UI Designer vì nó minh chứng cho quá trình làm việc và những phương pháp mà bạn dùng để thực hiện. Lưu ý khi đề cập nên sử dụng cấu trúc thời gian cũng như sắp xếp kinh nghiệm từ gần đến xa nhất, ghi rõ tên công việc – công ty, thời gian làm việc cho mỗi vị trí. Còn nếu trong trường hợp bạn chưa có kinh nghiệm làm việc, có thể thay thế bằng các kinh nghiệm khi làm Freelancer, dự án thực tập,…
Trong từng mục kinh nghiệm làm việc, bạn nên viết 4-6 gạch đầu dòng mô tả công việc, tốt nhất là kèm theo số liệu để nhà tuyển dụng có thể hình dung được kết quả cũng như sự đóng góp của bạn trong công việc đó. Nếu như có thể, bạn cũng nên lưu ý đến những từ khóa trong phần mô tả công việc của vị trí đang ứng tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển vào vòng phỏng vấn.
Ví dụ: Tôi đã được thăng bậc Senior UX Designer nhờ quá trình làm việc hiệu quả, tạo giao diện trực quan và đơn giản cho người dùng, góp phần vào tăng trưởng 100% lợi nhuận hàng năm.
Các loại kỹ năng cần thiết
Đối với vị trí UX/UI Designer thì các loại kỹ năng cần thiết có thể cần được liệt kê sẽ là: Hard Skills, Technical Skills và Soft Skills. Ở mục này, bạn nên đọc kỹ phần mô tả công việc trong phần tuyển dụng để hiểu rõ những yêu cầu công việc ở vị trí này. Từ đó cân nhắc một số kỹ năng cần liệt kê cho phù hợp.
Hard Skills: Data analysis – phân tích dữ liệu; Graphic design – thiết kế đồ họa; Computer skills – kỹ năng sử dụng máy tính; Web design – thiết kế Website;
Technical Skills: Graphical suites – các yếu tố liên quan đến đồ họa (Fireworks, InDesign, Photoshop. Keynote, Powerpoint,…); Product testing – quá trình kiểm tra sản phẩm.
Soft Skills: tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,…
Một số sở thích liên quan đến công việc
Đây cũng là một trong 5 điều cần có ở CV cho vị trí UX/UI Designer nếu bạn muốn tạo sự chú ý đặc biệt đến nhà tuyển dụng. Bạn nên cân nhắc thêm một số sở thích liên quan đến công việc hoặc công ty là tốt nhất. Chẳng hạn như đối với sở thích đọc sách, bạn có thể viết thành “Sở thích đọc sách, tìm hiểu thông tin về Thiết kế website và trải nghiệm người dùng để có thể bổ trợ tốt hơn vào công việc.”
Portfolio của UX/UI Designer
Chuẩn bị Portfolio của UX/UI Designer cũng là bước quan trọng, cần đính kèm khi gửi CV cho nhà tuyển dụng để họ đánh giá được những sản phẩm mà bạn đã thực hiện. Từ đó xem xét tư duy làm việc cũng như giải quyết vấn đề nói chung có phù hợp với yêu cầu của công ty không.
Bên cạnh đó, trên một trang CV không thể nêu hết những kinh nghiệm làm việc trong từng dự án mà bạn đã thực hiện. Chính vì thế, Portfolio là nơi mà bạn có thể tận dụng tối đa để cung cấp cụ thể về thông tin, thời gian, nhiệm vụ, kỹ năng,… mà bạn để sử dụng để hoàn thành từng dự án một.
Trên đây là 5 điều cần có ở CV cho vị trí UX/UI Designer mà chúng tôi đã liệt kê để bạn đọc tham khảo. Tùy vào từng yêu cầu cho công việc UX hoặc UI cũng như yêu cầu tuyển dụng của công ty, bạn hãy thật khéo léo đề cập thông tin để tăng cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng!
Pha Lê