Trong hành trình tìm kiếm công việc, CV ứng tuyển của bạn là một công cụ quan trọng để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Ngoài việc liệt kê những thông tin về học vấn và kinh nghiệm làm việc, việc khoe khéo các kỹ năng mềm cũng rất quan trọng để làm nổi bật bản thân và tăng khả năng được chọn.
Dưới đây là 6 kỹ năng thường xuất hiện trong các CV xin việc mẫu cho bất cứ vai trò nào.
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là một trong những yếu tố cốt lõi trong mọi lĩnh vực, trong mọi thời đại và công việc. Khi bạn sở hữu kỹ năng lắng nghe tốt, truyền đạt thông điệp rõ ràng và tương tác tốt với đồng nghiệp và khách hàng thì cơ hội được chọn của bạn sẽ vượt xa các đối thủ khác.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Hiện nay, các doanh nghiệp luôn tận dụng tối đa khả năng của từng nhân viên bởi khối lượng công việc và yêu cầu chất lượng công việc ngày một tăng lên. Do đó, kỹ năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hiệu quả luôn được đánh giá cao.
Kỹ năng làm việc nhóm
Phối hợp hiệu quả cùng đồng nghiệp không chỉ đảm bảo chất lượng công việc tốt hơn ở mỗi giai đoạn nhiệm vụ, mà còn tạo ra cơ hội học hỏi và trao đổi kiến thức cho nhau. Điều này giúp doanh nghiệp trở nên linh hoạt trong việc quản lý nhân sự, đặc biệt khi có thành viên chuyển việc.
Kỹ năng thích ứng
Xã hội ngày càng phát triển và thay đổi rất nhanh. Để bắt kịp với thời đại, khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi trở nên vô cùng quan trọng để không bị tụt lại phía sau. Kỹ năng này được thể hiện khi bạn có khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới, sẵn sàng áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào công việc của mình và nắm bắt những thay đổi đang diễn ra.
Cẩn thận, chú ý chi tiết
Kỹ năng chú ý chi tiết và cẩn thận trong hành động, suy nghĩ hay lời nói là một yếu tố quan trọng để đảm bảo công việc được thực hiện chính xác và đạt chất lượng tốt hơn. Nó cũng ảnh hưởng đến cách mà bạn nhìn nhận và giải quyết vấn đề nên nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn cao hơn các ứng viên khác.
Kỹ năng quản lý thời gian
Khả năng quản lý thời gian hiệu quả là một kỹ năng mềm quan trọng để hoàn thành công việc và đạt được mục tiêu. Trong CV ứng tuyển, hãy đề cập đến cách bạn đã sắp xếp và ưu tiên công việc, làm thế nào bạn đã đáp ứng các tiến độ và thời hạn, và làm thế nào bạn đã đồng bộ hóa công việc của mình với nhóm hoặc đồng đội.
Cách khoe khéo các kỹ năng mềm trong CV ứng tuyển
Hãy chứng minh, đừng chỉ liệt kê
Nếu bạn có nhiều kỹ năng mềm và bạn có thể kể ra các kỹ năng A, B, C… dựa theo yêu cầu của nhà tuyển dụng trong thông báo tuyển dụng. Tuy nhiên, liệt kê chỉ là một phần nhỏ, vì rất nhiều người cũng có thể làm được điều đó. Điều quan trọng để thuyết phục nhà tuyển dụng là có bằng chứng thực tế.
Bạn không cần phải liệt kê tất cả 10 kỹ năng mềm mà vị trí công việc yêu cầu, chỉ cần chọn ra 2-3 kỹ năng quan trọng nhất và kết hợp với những thành tích thực tế bạn đã đạt được trong việc áp dụng những kỹ năng đó. Điều này sẽ giúp bạn giành ưu thế trước các ứng viên khác.
Hãy ước lượng thành tích
Nhà tuyển dụng càng có cơ hội nhìn thấy mức độ giỏi của kỹ năng mềm của bạn thì cơ hội để trở thành ứng viên hàng đầu càng tăng lên. Đừng chỉ chia sẻ những thành tích chung chung như “nâng cao doanh thu” hay “tiết kiệm thời gian vận hành”. Hãy cụ thể hơn bằng cách nêu ra các con số như “nâng cao 20% doanh thu trong 6 tháng” hay “tiết kiệm 10% thời gian vận hành máy móc mà vẫn đảm bảo đủ số lượng sản phẩm”. Những con số này sẽ gây ấn tượng mạnh hơn và chứng tỏ khả năng ứng dụng kỹ năng thực tế của bạn.
Thể hiện sự nhiệt huyết thông qua câu chữ
Thể hiện “kỹ năng chịu áp lực” không cần quá phức tạp, chỉ cần thông qua câu chữ, bạn có thể truyền đạt sự năng động và sẵn sàng đối mặt với công việc. Nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy sự tràn đầy năng lượng trong bạn và đánh giá cao điều đó. Nhà tuyển dụng luôn đề cao năng lực cá nhân, nhưng thường cảm thấy chán nản khi gặp phần giới thiệu với những từ ngữ như “Em hy vọng”, “Em đã nghĩ rằng”, “Em cho rằng”,… Do đó, hãy khẳng định mạnh mẽ bằng cách sử dụng các cụm từ như “Em tin rằng”, “Em tin chắc rằng” để thể hiện sự tự tin của bạn.
Kiểm tra lỗi chính tả thật kỹ
Bạn nên đảm bảo toàn bộ CV ứng tuyển của bạn đều không được mắc lỗi chính tả, vì nếu có lỗi, đó là một trong những dấu hiệu của sự thiếu tỉ mỉ và nhiệt huyết với vị trí mà mình đang ứng tuyển. Việc mắc lỗi chính tả có thể cho thấy sự cẩu thả và không coi trọng công việc. Những người có kỹ năng làm việc độc lập và chú ý chi tiết không bao giờ chấp nhận điều này.
Vòng hồ sơ là giai đoạn quan trọng để bắt đầu một cơ hội và không thể coi nhẹ vai trò của nó. Nó tương tự như một quyển sách, nếu bìa sách không hấp dẫn, không thu hút, bạn sẽ không có hứng thú để khám phá nội dung bên trong. CV chính là “bìa quyển sách” ứng tuyển của bạn, và kỹ năng mềm chính là “lời mở đầu” đưa bạn vào cuộc chơi này. Hãy luôn chú trọng đến việc chỉnh sửa và làm đẹp CV ứng tuyển của bạn để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội thành công nào.
Hà Phương