8/3 này, hay bạn về ăn cơm với mẹ ngay khi còn có thể đi chứ?

Chuẩn bị cả tháng cho một món quà đắt đỏ gửi tặng mẹ cũng được, một bó hoa mua vội trên đường đi làm về cũng được, nhưng thứ khiến mẹ hạnh phúc nhất, đôi khi đơn giản chỉ là sự hiện diện của ta mà thôi.

Đĩa thức ăn “hổ lốn” ngày 8/3 và bí mật của mẹ

Hôm nay bạn đã mua gì tặng mẹ chưa?

Quà tặng cô giáo của con lớn, con nhỏ, quà tặng người phụ nữ nào đó quan trọng trong cuộc đời mình, chắc bạn đã chuẩn bị rồi. Sáng nay đi làm, chắc bạn cũng đã nhận được không ít lời chúc ngọt ngào từ cánh mày râu cơ quan hay món quà nào đó từ bộ phận văn hóa nội bộ. Hội chị em bên cạnh, kiểu gì mà chẳng khoe được chồng “ting ting”, váy vóc, mỹ phẩm, giày dép… Chúc mừng bạn, trong ngày 8/3, ngày mà người ta bảo rằng dành cho một nửa tuyệt vời của thế giới.

Nhưng bạn sẽ làm gì cho mẹ – người phụ nữ không cần “ngoại giao” – hôm nay?

Những món quà có thể mang những hình hài khác nhau, đa dạng như những gương mặt mẹ. Có người mẹ nông dân cả một đời lam lũ, chân lấm tay bùn tất bật hết ở ruộng rồi lại về nhà nuôi lợn chăm gà, cơm cơm nước nước. Có người mẹ vừa nghỉ hưu đã trở thành vú em toàn thời gian cho cháu ngoại, cháu nội, đi du lịch hè cũng kè kè quắp cháu theo để cho bố mẹ chúng yên tâm đi làm.

Có người mẹ giữ từng hóa đơn bán vàng, từng biên lai gửi tiền từ hàng chục năm, hồi con lên thành phố học đại học, suốt ngày “kể công” nhưng hễ con tặng quà là càm ràm “vẽ chuyện, tao không cần, để đấy mà nuôi con”…

Máy massage, quần áo đẹp, tour du lịch, xe mới, sổ tiết kiệm, xây lại nhà… có hàng trăm món quà phù hợp ta có thể mua và tin rằng mẹ mình sung sướng vô ngần. Nhưng cũng có thể, mẹ chẳng có phản ứng gì nhiều.

Như mẹ tôi, 8/3 một năm gần đây. Mấy anh chị em đặt sẵn bàn ở nhà hàng hải sản, định bụng sẽ làm một bữa ra trò, vừa lạ miệng lại không ai phải vất vả dọn rửa. Mẹ xót tiền, cứ lẩm nhẩm tính toán, với ngần ấy tiền thì ăn được cả tuần. Thuyết phục thế nào bà cũng không chịu đi cùng. Rút cục, kế hoạch mừng ngày 8/3 đổ bể, vì đám con cháu cáu kỉnh đành phải lao vào bếp nấu nướng, dọn rửa.

(Ảnh minh họa)

Trong khi chúng tôi lao ra chợ tìm mua đồ về nấu món gì đó ngon ngon, ở nhà, bà làm các món “trứ danh” của mình, tận dụng thức ăn còn thừa trong tủ lạnh: gà rán – thịt lợn kho tàu – giò trộn với nhau, rim với hạt tiêu. Kết quả của mâm cơm ngày 8/3 năm ấy, bên cạnh những bề bề rang muối, gà nướng mật ong, sườn chua ngọt mà chúng tôi mất cả tiếng dụng công nấu nướng, là món rang hổ lốn của mẹ và nồi canh-không-biết-gọi-tên-là-gì nấu từ khoai tây, su hào với cổ gà, bột nghệ và rau thì là.

Bạn đoán thử xem, món nào đắt khách nhất? Chính là hai món ăn mẹ tôi tự tay nấu. Các con trai, con gái của mẹ tôi ăn bằng sạch hai món ăn “đáng kinh ngạc” đó trong sự ngạc nhiên tột độ của tôi và ánh mắt đấy ánh sáng hạnh phúc của bà. Để nói về ngon, chắc chắn là không, nhưng những món mà tôi nhất định không động đũa ấy đã nhắc chồng tôi, anh chị tôi nhớ đến những ngày họ còn bé, ngày mà một miếng thịt cũng không được bỏ phí.

Cơm mẹ tôi nấu không thể gọi là ngon theo cách thông thường, nhưng nó là “đặc sản” của gia đình. Và mỗi lần về thăm mẹ, mọi người luôn chừa phần cho bà “thể hiện” một vài món hoặc để bà đi chợ, nhặt rau. Và ánh mắt mẹ những lúc ấy luôn rạng rỡ, vui không giấu nổi. Mẹ bảo, chỉ nhìn các con, cháu ăn mà cũng đã no rồi, vì không chỉ là bữa ăn, không quan trọng ăn món gì, ăn ở đâu, mà là ăn cùng nhau.

Bạn có nghĩ, mẹ của mình cũng như thế không?

Món quà tuyệt vời nhất là món quà tốn kém nhất: Thời gian

8/3, mẹ cần gì ở chúng ta? Mẹ muốn chúng ta báo hiếu thế nào?

Chúng ta khi trưởng thành, có thể tìm ra cách để cân bằng nội – ngoại, biếu mẹ chồng vài hộp thuốc bổ thì cũng mua được đôi lọ nhung hươu cho mẹ đẻ. Nhưng chúng ta cũng có thể là một trong số những nàng dâu hậm hực vào nhóm kín trên mạng xã hội xả bực tức vì mẹ chồng rảnh nhưng thích đi chơi hơn là chăm cháu, ấm ức vì vàng cưới mẹ trao rồi lại đòi…

Hôm nay chúng ta cũng có thể tặng mẹ những bó hoa tươi thắm và lời chúc ngọt ngào, nhưng những ngày bình thường khác trong năm, ta vẫn thấy phiền khi mẹ cứ hỏi han chuyện này chuyện khác hoặc lãnh đạm khi mẹ tha đau mỏi, vì “người lớn tuổi nào chẳng thế”…

Chúng ta rất dễ để biếu mẹ vài đồng bạc, mua cho mẹ các tour du lịch cho bõ những tháng ngày vất vả xưa kia. Nhưng không chắc sẽ được nhìn thấy gương mặt mẹ sáng lấp lánh bằng việc thi thoảng ta tạt qua thăm, hoặc hỏi vu vơ: “Nhà có gì ăn không, con về”.

(Ảnh minh họa)

Những người mẹ, có thể cứ vùng vằng không nhận quà cáp của con, có thể càu nhàu con lãng phí trong ngày 8/3, nhưng chắc chắn không bao giờ từ chối khi con ngỏ ý về nhà ăn cơm. Dù con còn thanh niên hay đầu đã đôi thứ tóc, trong lòng mẹ, con vẫn là hài nhi bé bỏng mẹ ấp ủ trong lòng.

Món quà tuyệt nhất chúng ta có thể tặng mẹ là gì, mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Nhưng chắc chắn, món quà tuyệt vời nhất cũng chính là món quà tốn kém nhất ta có thể tặng mẹ: Thời gian. Dành thời gian một cách thật sự chăm chú, thật sự yêu thương, như mẹ vẫn luôn dành cho chúng ta, kể từ ngày bà quyết định giữ ta ở lại với thế giới này trong hình hài một con người.

Món quà nào của con cũng có thể khiến tim mẹ rung lên vì hạnh phúc, nhưng sự hiện diện của chúng ta thì không cần đợi một dịp trọng đại nào để dâng tặng. 8/3 hay một ngày nào đó khác trong năm cũng có thể trở thành “đại lễ” với mẹ, nếu ta thực sự chú tâm với yêu thương.

Vì thế, đừng nói xa xôi hay phong bì hoa quả. Về ăn cơm với mẹ đi. Người yêu, vợ chồng với nhau, hãy để dành hôm khác, ngày nào chúng ta chả có dịp đi chơi, đi uống.

Còn cơm với mẹ, được mấy bữa nữa mà xuề xòa?

Theo: TCTTT