Món bánh trôi tàu nghi ngút khói với vị ngọt dịu bùi bùi của bánh và vị cay cay của gừng,… trở thành món ăn không thể thiếu cho những ngày se lạnh ở Hà Nội.
Xem thêm:
- Cách ăn sống đỉa biển trứ danh của người Hàn Quốc
- Những địa chỉ ẩm thực Việt Nam đắt khách trên đất Hàn
Hà Nội những ngày này đã bắt đầu có những cơn gió lạnh, người dân cũng đã sãn sàng tâm thế cho những ngày đông lạnh giá. Và khi đông đến, người dân ở đây lại líu ríu rủ nhau đi ăn những món ăn đặc trưng của Hà Nội mùa này. Trong tiết trời se lạnh đó, người ta chỉ muốn nhấm nhấp một thứ gì đó cho ấm bụng, có thể là bánh khoai bánh chuối hay ngô khoai nướng,… Nhưng đặc biệt phải kể đến mà món bánh trôi tàu.

Bánh trôi tàu tưởng như mùa nào cũng có. Nhưng đối với người Hà Nội nếu muốn ăn ngon, ăn đã đúng nghĩa thì chỉ chờ được ngày đông, cái lạnh se sắt ấy mới khiến người ta thèm món bánh trôi tàu. Uống chút nước gừng cho ấm bụng, rồi nhâm nhi thêm chút miếng bánh trắng làm từ gạo nếp, vừa thổi vừa ăn mới đã làm sao.

Món bánh này không quá cầu kỳ nhưng cũng không quá đơn giản. Một nồi chè nóng sôi liu riu trên bếp than, bên cạnh là dăm chiếc bát sứ, vài chiếc thìa con, thế là đủ “hành trang” cho mùa đông buốt lạnh. Khi có khách đến, người bán sẽ mở vung vớt hai, ba viên bánh trôi, chan thêm nước đường gừng nóng hổi, rắc thêm chút lạc rang hoặc vừng, có nơi có thể thêm nước cốt dừa và một ít dừa thái sợ lên trên mặt, thế là xong.

Bánh trôi tàu có thể ăn nguội hoặc ăn nóng, thế nhưng chè nóng chỉ hợp khi nào trời thật lạnh và lất phất mưa mới khiến người ta nhớ nhung. Một nỗi nhớ mà có lẽ chỉ có những người đã từng thưởng thức cái lạnh, ẩm đặc trưng của Hà Nội mới hiểu. Còn ở phương Nam xa xôi, làm sao có thể hiểu được thứ tình yêu kì lạ với cái hơi ấm tỏa ra từ những bát chè, với mùi nếp, mùi đỗ, mùi vừng thơm lựng khiến lòng người phải phát thèm như thế. Tuy nhiên, chè nóng cũng không được nấu quá tay bởi nếu quá nóng sẽ khiến vị ngọt không còn thanh, dễ bị ngấy.

Đặc biệt là thế, song nguyên liệu làm bánh đều là những thứ vô cùng dễ kiếm, đó là gạo nếp, đỗ xanh, vừng đen, gừng già, đường thẻ. Những chiếc bánh trôi xinh xắn là thành quả của quá trình chế biến, dồi nặn khéo léo của người nấu.

Chiếc bánh trôi tàu có hai phần chính đó là phần vỏ và phần nhân. Để làm phần vỏ người ta cho bột nếp, bột tẻ, muối vào tô sạch rồi bạn trộn đều, sau đó thêm từng ít nước trộn đều để có được hỗn hợp bột không quá khô cũng không quá nhão. Sau đó cho khối bột vào tô và bọc kín lại, để bột nghỉ 20 phút. Phần nhân thì khá công phu hơn, vừng và đỗ xanh xay thật mịn rồi cho vào chảo nấu chung với đường và dầu ăn cho đến khi nhân bánh đặc lại có thể vo thành cục là được.

Khi làm bánh, người ta chia bột thành các viên nhỏ đều nhau, vo tròn rồi ấn dẹt miếng bột sau đó đặt viên nhân vừng đen vào giữa, gói kín lại cho tròn đều. Sau cùng lấy ít vừng đen rắc lên giữa bánh, ấn nhẹ cho vừng bám chặt. Đổ nước vào nồi đun sôi thì thả bánh vào luộc, bánh nồi lên 1-2 phút là chín.

Đến phần quan trọng nhất, được coi như là linh hồn của món bánh trôi tàu đó chính là phần nước đường gừng hấp dẫn. Nước đường được giữ sôi liu riu trên bếp than, không quá đặc, cũng không quá loãng.

Ngon nhất khi múc ra, phần nước đường chuyển thành màu vàng mật ong, điểm thêm một vài miếng gừng giã giập, thơm lừng. Để có được nước đường ngon, người nấu phải thật khéo léo. Những thứ thêm vào như lạc rang, cốt dừa, hay thậm chí là một chút dừa tươi nạo nhỏ cũng phải cân đong đo đếm thật tinh tế để cái thơm nồng, nóng nảy của gừng không bị át đi.

Vỏ bánh mịn, cảm giác đặt vào đầu lưỡi lớp vỏ đã tan khẽ, vừa dẻo, lại vẫn không nát. Khi ăn, bạn nhớ ăn thật chậm phần vì bánh trôi tàu rất nóng, phần vì nếu ăn nhanh, sẽ rất khó thấy cái bùi, cái ngọt của nhân, của dừa. Xắn một miếng bánh trôi, thêm chút nước đường và lạc rang, thổi phù phù rồi đưa vào miệng, cái nóng, cái ngọt của nước đường bùng lên trong dạ dày xua tan cái lạnh ẩm của Hà Nội, khiến lòng người thấy ấm áp hơn.

Theo: dulichvietnam