Bánh tét nhân ngọt truyền thống
Món bánh tét cơ bản nhất của người Nam Bộ chính là bánh tét nhân ngọt, được làm từ nếp, đậu xanh, đường, dừa và chuối. Hầu như mỗi khi tết đến, nhà nào cũng có món ăn này. Những gia đình lớn thường gói và nấu một nồi bánh to rồi chia cho con cháu. Những gia đình nhỏ ít người cũng tranh thủ mua vài đòn bánh để cúng gia tiên, chiêu đãi khách đến nhà.
Có dịp ăn tết Miền Tây, bạn sẽ được thưởng thức món bánh này từ những ngày cuối cùng của tháng chạp. Bánh được gói với lá chuối thành hình trụ tròn, gọi là đòn bánh. Khi gói xong, bánh sẽ được nấu trong nồi nước lớn từ 7 – 8 tiếng để bánh chín đều và có vị mềm vừa ăn.
Một khoanh bánh tét ngọt truyền thống của người miền Tây chỉ thực sự ngon khi nếp chín đều và có màu xanh nhạt do gói trong lá chuối, nhân bánh có hình tròn đều. Nếu là bánh tét nhân đậu, nhân bánh sẽ có màu vàng ươm của đậu xanh. Còn nếu là bánh tét nhân chuối, nhân bánh sẽ có màu đỏ ánh tím của chuối chín, đẹp mắt và nổi bật.
Bánh tét lá cẩm Cần Thơ
Nếu bánh tét ngọt là niềm tự hào của người dân miền Tây nói chung thì bánh tét lá cẩm là món ăn trứ danh của vùng đất Tây Đô. Món bánh này được sáng tạo bởi một gia đình họ Huỳnh ở huyện Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đây là một gia đình ba thế hệ, có truyền thống làm bánh tét đến 40 năm nay, gồm khoảng 20 chục thợ làm bánh chuyên nghiệp. Tất cả đều là con cháu trong dòng tộc.
Ngày trẻ, bà chủ yếu làm bánh tét truyền thống nhưng rồi một lần tình cờ, bà đã dùng nước lá cẩm để pha nếp làm bánh. Vô tình phát hiện ra đòn bánh khi chính có vỏ màu tím đẹp mặt nên từ đó món bánh tét lá cẩm ra đời, trở thành món bánh tét miền Tây nổi tiếng, được người dân các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Cà Mau,… học hỏi công thức để làm.
Trên đảo ngọc Phú Quốc không chỉ nổi tiếng bởi các loại hải sản mà còn vang danh một loại bánh tét miền Tây mang tên Mật Cật. Nghe qua có vẻ rất lạ nhưng hầu như du khách nào đến đảo ngọc cũng đều mua vài đòn bánh về làm quà. Và phải có gì đó đặc biệt, phải có gì đó hấp dẫn, món bánh tét này mới được yêu thích như vậy.
Cũng như lá chuối, lá mật cật trước khi dùng gói bánh sẽ được lau sạch sẽ, phơi qua nắng cho héo để có độ dai, không bị rách khi gói bánh. Người làm bánh tét mật cật Phú Quốc cho biết, công đoạn khó nhất khi làm món bánh này chính là gói bánh.
Đa phần mọi người sẽ gói bánh hình tam giác rất độc đáo. Bánh khi gói không được buộc quá chặt vì sẽ làm bánh chín không đều. Còn nếu buộc quá lỏng thì bánh sẽ bị nong nước vào, ăn bị nhão, không ngon miệng.
Bánh tét chuối đậu mỡ
Bánh tét nhân đậu mỡ có lẽ bạn đã biết hoặc nghe qua. Nhưng món bánh tét chuối đậu mỡ thì không phải một du khách phương xa nào cũng biết. Với người miền Tây, đây là một món bánh được kết hợp giữa vị mặn và ngọt, tạo nên một món ăn đặc trưng và khác biệt so với các loại bánh tét miền Tây khác.
Bánh tét chuối đậu mỡ có một lớp vỏ bánh và tận 3 lớp nhân, gồm nhân chuối bên ngoài, nhân đậu xanh ở giữa và nhân mỡ bên trong. Sự kết hợp của vị ngọt thanh từ chuối chín, vị bùi của đậu xanh và vị béo ngậy của mỡ đã làm cho món bánh tét này đặc biệt hơn vào dịp tết đến xuân về của người miền Tây.
So với các loại bánh khác, làm món bánh tét ba nhân này tốn nhiều công sức hơn do phải chuẩn bị đến 3 loại nhân khác nhau. Phần nhân chuối, người thợ sẽ chọn loại chuối xiêm vừa chín tới. Phần nhân đậu là loại đậu xanh cà ngâm mềm và nấu chính. Còn phần mỡ heo, người ta sẽ chọn loại mỡ ngon, cắt thành từng sợi hình vuông nhỏ để trong cùng.
Về cơ bản, cách gói bánh và nấu bánh không khác gì mấy so với các loại bánh tét khác, cũng nấu trong nồi lớn và trong thời gian từ 7 – 8 tiếng. Ngày nay, món bánh tét ba nhân chuối đậu mỡ này khá nổi tiếng ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ở một số vùng khác trong và ngoài tỉnh cũng có món ăn ngon này. Nếu có dịp về ăn tết miền Tây, bạn nhớ thưởng thức món bánh tét đặc biệt này để cảm nhận hương vị độc đáo đặc trưng của ẩm thực Nam Bộ.