Những người là F0, F1 không tự giác khai báo y tế, từ chối cung cấp thông tin sẽ bị xử lý như thế nào?

“Hành vi chậm khai báo, trốn tránh việc khai báo y tế tùy vào tính chất mức độ, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Cường cho biết.

Như thông tin đã đưa trước đó, ngay sau khi có thông tin về diễn biến mới của dịch Covid-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 đã được triệu tập khẩn cấp với chỉ thị quyết liệt, đẩy nhanh tốc độ truy vết các F1, F2.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Trung, Phó tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống Covid-19 cho biết: Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) không hợp tác… Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết.

Trước thực trạng nêu trên, nhiều người lo lắng và đặt ra câu hỏi liệu những đối tượng không tự giác khai báo như trên có gánh lấy chế tài nào từ pháp luật hay không?

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Ở góc độ pháp lý, ông Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, khai báo y tế trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp hiện nay là trách nhiệm của công dân.

Hành vi chậm khai báo, trốn tránh việc khai báo y tế tùy vào tính chất mức độ, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa

Theo Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Với những người đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người dương tính với Covid-19, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19 thì bắt buộc phải khai báo y tế và phải thực hiện biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Trường hợp F0, F1 không chủ động khai báo y tế theo quy định của pháp luật, từ chối hợp tác với cơ quan chức năng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng về hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” theo điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như vậy, với hành vi “không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo gian dối” dẫn đến việc làm bên làm dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm quy định về khai báo ý tế sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người. Hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.

Bởi vậy đòi hỏi mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh… để đảm bảo an tình cho gia đình và những người xung quanh!

Theo: Pháp luật và bạn đọc