Năm 2020, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ra mắt sách ảnh Sài Gòn COVID-19 và tổ chức triển lãm ảnh cùng tên tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện thu hút đông đảo người xem và sự quan tâm của truyền thông. Nối tiếp thành công từ cuốn sách ảnh trước đó, và cũng nhằm giới thiệu thành quả lao động không kể hiểm nguy trong cao điểm dịch thứ tư tại TP.HCM, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ra mắt sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021) và tổ chức buổi triển lãm giàu cảm xúc tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố.
Cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021) bao gồm 155 tác phẩm ảnh được chọn lọc từ hơn 6.000 bức ảnh đã chụp trong vòng 5 tháng từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2021. Thời điểm “lao vào” tâm dịch, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong biết rằng bản thân sẽ đối diện với nhiều hiểm nguy bất ngờ và rất có thể, sự sống sẽ dừng lại ở một giây phút nào đó ngay khi anh lơ là, thiếu thận trọng. Nhưng với lửa nghề và lòng nhiệt thành của một nhiếp ảnh gia đường phố, muốn được chứng kiến giây phút mang tính lịch sử của vùng đất nơi anh sinh ra và lớn lên, anh bắt đầu cuộc dấng thân với tâm thế chủ động, có những biện pháp bảo vệ bản thân nhất định.
So với một Sài Gòn thanh bình, khác lạ trong sách ảnh Sài Gòn COVID-19, ở cuốn thứ hai, nhiếp ảnh gia Thế Phong ghi lại hành trình đi qua thương đau của thành phố. Chắc chắn, theo nhìn nhận và sự quan sát của từng cá nhân, có thể, cuốn sách ảnh sẽ không thể đầy đủ mọi hoạt động đã diễn ra trên địa bàn thành phố nhưng về cơ bản, những diễn biến chính đều được nhiếp ảnh gia Thế Phong ghi lại. Đó là thành phố vắng vẻ, chỉ có những chiếc xe cứu thương hộc tốc từ đường lớn cho tới ngõ nhỏ hun hút sâu. Đó là những hộp cơm nghĩa tình được bày trên phố. Đó là hình ảnh của lực lượng y tế, quân đội, dân quân, thanh niên tình nguyện, đội thiện nguyện… đang cùng nhau làm tốt nhất có thể vai trò của mình, những mong cứu người, kịp thời hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, san sẻ yêu thương để cùng dìu nhau qua đoạn khó của đời người.
Nhiếp ảnh gia Thế Phong cho biết thương vong, mất mát anh chứng kiến trong hành trình rong ruổi suốt 5 tháng ròng không ít. Có những ảnh lột tả trực diện nỗi đau thương có thể cứa lòng, thắt tim người xem nhưng anh xin giữ những bức ảnh đó cho riêng mình. Sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021) vẫn có nhiều khoảnh khắc lay động cảm xúc nhưng chúng không quá bi luỵ, không đào sâu đau thương của người đã khuất và gia đình họ.
“Tôi muốn chạm vào cảm xúc của người xem một cách vừa đủ, nghĩa là từng bức ảnh vẫn cho thấy đau thương thật nhưng chúng không quá nặng nề đến mức gây ám ảnh. Dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát và đây là thời điểm gần tròn một năm Sài Gòn trải qua năm tháng khốn cùng của đau thương nhưng lấp lánh tình thương. Đây là dịp để mọi người nhìn lại một lần nữa những gì đã trải qua, để nguyện cầu cho những người không may rời cõi tạm được thanh thản, để người ở lại nén nỗi đau mà bước tiếp hành trình sống của mình. Thành phố và lòng người đang dần hồi sinh, đó là điều may mắn”, nhiếp ảnh gia Thế Phong chia sẻ.
Sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021) không đơn thuần tập hợp hình ảnh, tái hiện hành trình tác nghiệp đặc biệt của nhiếp ảnh gia Thế Phong mà đây là thành quả tâm huyết được trưng bày đẹp mắt với dụng ý nghệ thuật về sắp đặt, bố cục. Trong 155 bức ảnh, nhiều tác phẩm được đưa về màu đen trắng, ở một số nhóm chủ đề cần độ lắng về cảm xúc. Anh để ra nhiều khoảng trắng như khoảng nghỉ của thị giác để tiếp sau đó, người xem đi đến trải nghiệm nặng đô hơn. Đây cũng là cuốn sách ảnh “nhiều chữ nhất” của nhiếp ảnh gia Thế Phong bởi trong đó, anh đưa vào những chia sẻ thật tâm của các cá nhân đang công tác tại ngành nghề, họ có những trải nghiệm khác nhau trong cao điểm dịch tại Sài Gòn từ bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia, cô con gái không may có ba mẹ qua đời vì COVID-19…
Tại buổi khai mạc triển lãm vào lúc 18 giờ, Thứ Sáu, ngày 15/4 vừa qua, nhiếp ảnh gia Thế Phong đã tổ chức một buổi tưởng niệm ngay trong không gian của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (97 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1).
Triển lãm kéo dài trong vòng 5 ngày. Sài Gòn COVID-19 (2021) là cuốn sách ảnh thứ 11 và đây là triển lãm cá nhân thứ 17 trong sự nghiệp của nhiếp ảnh gia Thế Phong.
Những sách ảnh đã ra mắt: Gánh; Những nẻo đường tuổi thơ; Vượt qua bóng tối; Ánh sáng cuộc sống; 45 ngày tại Thụy Sĩ; Mưu sinh; Chân dung; Nhịp sống Sài Gòn, Sài Gòn COVID-19; Cười.
Nhiếp ảnh gia Thế Phong từng nhận trên 200 giải thưởng về ảnh nghệ thuật và báo chí trong và ngoài nước. 13 lần giải thưởng ảnh báo chí thành phố và quốc gia, 12 lần giải thưởng xuất sắc quốc gia (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN) Giải thưởng lớn-Grand-Prix (Japan), 3 huy chương vàng Trierenberg Super Circuit (Áo), 5 huy chương Asahi Shimbun (Japan)…….
– “Tôi đã lặng người, bởi trong đời mình chưa bao giờ thấy và chứng kiến những hình ảnh đau thương, mất mát đến chạnh lòng. Có nhiều người trong trong những giờ phút cuối đời đã ra đi lặng lẽ, không có gia đình, bạn bè, người thân bên cạnh. Hay có những em bé mới sinh ra, không được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời. Chưa bao giờ Sài Gòn lạ như thế! Chưa bao giờ Sài Gòn được yêu thương nhiều đến vậy! Sài Gòn sẽ sớm ổn thôi, cho dù đau thương, gian nan đến mấy, cũng phải lạc quan, để cùng nhau bước qua những ngày tháng nghịch cảnh, biến cố”, trích Lời nói đầu của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong. – “Bộ ảnh cuộc chiến chống dịch COVID-19 của nghệ sĩ Trần Thế Phong sẽ để lại cho thế hệ mai sau một cách nhìn về sức mạnh của tình yêu, tình nhân loại, tình đồng chí, bà con anh em ruột thịt tại Sài Gòn – Gia Định, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu – thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc chiến thầm lặng thế kỷ không tiếng súng, không bom đạn, các thầy thuốc giành giật mạng sống cho từng con người”, trích lời chia sẻ của Giáo sư Viện sĩ Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. – “Nếu như ở Sài Gòn COVID-19, Trần Thế Phong ghi nhận những khoảnh khắc phố xá trầm lắng trong những ngày giãn cách xã hội của năm 2020; thì ở Sài Gòn COVID-19 (2021), 155 bức ảnh của anh làm thắt tim người xem nhưng không hề bi luỵ. Đó là những bức ảnh chất chứa khát vọng sống, tình yêu thương và sự chung sức, chung lòng của đồng bào cả nước dành cho Sài Gòn nhân nghĩa. Những bức ảnh của anh luôn mang lại niềm tin “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/ Sẽ không có dây, phố xưa lại đầy/ Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời”. Dòng chảy cuộc sống vẫn cuộn trôi, nhưng ký ức bằng ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sẽ trở thành tư liệu lịch sử trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ tư ở Việt Nam, tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh”, trích lời của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. |