Mỗi một người dân ở thành phố Vũ Hán đều lựa chọn cho mình những hoạt động khác nhau để tồn tại qua đại dịch này.
Cách đây đúng 1 tuần, vào lúc 2 giờ sáng ngày 23/1, nhà chức trách tuyên bố phong tỏa Vũ Hán. Sân bay, nhà ga đều bị đóng cửa và các phương tiện giao thông công cộng của Vũ Hán bị hạn chế. Theo quan chức của tỉnh Hồ Bắc, khoảng 5 triệu cư dân đã rời Vũ Hán trước khi lệch phong tỏa được đưa ra và khoảng 9 triệu người đang sống trong tâm dịch. Một trong số đó là Liang Liang.
Người đàn ông này cùng khoảng 4.000 người tình nguyện khác dành thời gian và xe hơi của họ để vận chuyển các vật tư và giúp đỡ các nhân viên y tế, người bệnh. Việc giao thông bị đình trệ đã khiến nhân viên bệnh viện và bệnh nhân mắc kẹt trong thành phố, không thể di chuyển đi đâu. Kể từ đó, mạng lưới tình nguyện viên xuất hiện để giúp đỡ các bệnh nhân và y tá, bác sĩ trong thành phố.
Vào ngày 29/1, trở về nhà vào lúc 22h đêm sau một ngày mệt mỏi, Liang Liang nói rằng anh đã tham gia công việc tình nguyện này sau khi chứng kiến cảnh ngộ của các nhân viên bệnh viện. “Khi xem các video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhân viên y tế phải làm việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn tôi cảm thấy rất đau lòng“, người đàn ông cho hay.
Trong tuần vừa qua, Liang Liang đã chở khoảng 100 nhân viên y tế và giao hàng chục ngàn khẩu trang và vài ngàn bộ quần áo bảo hộ cho các bệnh viện. Công việc tình nguyện của họ bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và thường kết thúc vào đêm khuya. Bất chấp các khuyến cáo của chính quyền là nên ở nhà, hạn chế ra đường, các tài xế tình nguyện đang phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm bệnh cao khi họ mỗi ngày tiếp xúc với các bác sĩ và bệnh nhân. Một tài xế tình nguyện đã bị sốt vào cuối tuần vừa qua.
“Nếu nói rằng tôi không cảm thấy lo lắng về việc bản thân bị nhiễm bệnh sẽ là nói dối. Tôi sợ hãi nhưng trong tình hình này, việc giúp đỡ được nhiều người xung quanh là động lực giúp tôi vượt qua tất cả. Tôi hy vọng mình sẽ may mắn và không bị nhiễm bệnh“, Liang Liang cho hay.
Ban đầu, việc phong tỏa đã gây ra một số hoảng loạn cho người dân Vũ Hán khiến họ đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ. Tuy nhiên, một tuần sau, một số cư dân Vũ Hán cho biết, họ đã có đủ thực phẩm nhưng mặt hàng dược phẩm và thuốc khử trùng lại đang thiếu.
“Tôi đi ra ngoài để mua đồ tạp hóa sau gần một tuần. Thực phẩm dễ mua nhưng khẩu trang và thuốc thì không. Tôi phải mua một số loại thuốc huyết áp cho mẹ tôi“, ông Wang Wei, giáo sư kỹ thuật điện tử của Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán cho biết.
Người dân Vũ Hán vẫn đang sống trong sợ hãi mỗi ngày vì dịch bệnh chưa được kiểm soát. Ông Wang cho biết nỗi sợ hãi ngày một tăng lên khi người mà ông tiếp xúc mới đây đã phải nhập viện vì bị sốt. “Tôi đã rất sợ. Một người tôi quen đã chết vì viêm phổi Vũ Hán này”, ông Wang nói.
Đối với Crystal Yu, một sinh viên tốt nghiệp ngành tiếp thị, việc phong tỏa thành phố đang đe dọa cơ hội để cô bắt đầu một vị trí mới. Yu từ Milan, Ý, đến Vũ Hán vào tháng 1 để gặp gia đình vào dịp Tết Nguyên đán. Cô dự định bắt đầu thực tập tại một công ty ở Hồng Kông vào đầu tháng 2 nhưng giờ cô không thể rời đi.
Yu đồng ý rằng việc phong tỏa là cách hiệu quả để kiểm soát việc lây lan của virus nhưng khiến những người như cô vô tình bị mắc kẹt trong thành phố khi không có khả năng mắc bệnh. “Tôi chỉ muốn đón Tết trọn vẹn với gia đình. Tôi không nghĩ rằng việc phong tỏa lại ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi như vậy“, Yu nói.
Để giết thời gian, Yu tham gia vào nhóm hẹn hò trực tuyến trên WeChat để kết bạn bốn phương. Một số khác thì tự làm video và chia sẻ lên mạng xã hội. Điều này khiến họ cảm thấy đỡ buồn chán và sợ hãi khi đang trong ổ dịch.
Bên cạnh đó, người dân Vũ Hán giết thời gian trong nhà bằng việc làm video và chia sẻ lên mạng xã hội hay kết bạn bốn phương. Tại Đại học Vũ Hán, nơi có vài trăm sinh viên nước ngoài bị mắc kẹt vẫn được tiếp nhận hộp đồ ăn mỗi ngày. Rana Waqar Aslam, một nghiên cứu sinh đến từ các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết, bữa ăn tối nay của anh là cơm, gà nướng với khoai tây, nấm và rau.
Rana Waqar Aslam cho hay các sinh viên đều hạn chế ra ngoài. Một số người thì hoảng loạn nhưng không phải là tất cả. Trong khi đó, anh Reza Sultanuzzaman, một trợ lý giáo sư tại Đại học Nam Xương ở phía đông tỉnh Giang Tây vừa trở về Vũ Hán để đoàn tụ với vợ con trong kỳ nghỉ Tết thì thành phố bị phong tỏa. Gia đình anh nhanh chóng dự trữ mọi thứ đủ dùng trong một tuần. Anh cố gắng bày trò chơi cho con gái 4 tuổi để giúp cô bé không cảm thấy buồn chán khi bị hạn chế ra ngoài.
Sultanuzzaman cũng một điều phối viên tình nguyện cho cộng đồng Bangladesh ở Vũ Hán, cho biết có khoảng 370 công dân Bangladesh, trong đó có khoảng 20 trẻ em trong thành phố và họ đang chờ đợi sự chấp thuận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc để được sơ tán đi nơi khác.
Nguồn: SCMP