5 cách viết CV ứng tuyển vị trí quản lý “siêu” ấn tượng

Cùng là CV ứng tuyển, nhưng bạn không nên dùng một CV cho mọi vị trí. Ở vị trí quản lý, nhà tuyển dụng sẽ có tiêu chí tuyển dụng, yêu cầu cao hơn từ ứng viên. Nếu bạn vẫn giữ cách viết CV như nhân viên thông thường thì rất dễ “tự đánh trượt mình” khỏi danh sách ứng viên tiềm năng.

Dưới đây là 5 cách viết CV quản lý giúp bạn gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng, hãy cùng tham khảo nhé.

Sử dụng mẫu CV phù hợp với vị trí quản lý

Với vị trí quản lý, nhà tuyển dụng không chỉ yêu cầu cao về năng lực mà còn cần ứng viên phải hiểu rõ vai trò công việc, tầm quan trọng đối với công ty. Nếu hiểu đúng thì bạn phải tải mẫu CV xin việc phù hợp cho vị trí quản lý. Bởi bạn không thể chọn mẫu CV ứng tuyển vị trí nhân viên thông thường để ứng tuyển vị trí quản lý, càng không nên sử dụng một mẫu CV để ứng tuyển cho các cấp bậc khác nhau. Ngay cả khi bạn muốn dùng mẫu CV ứng tuyển vị trí quản lý trước đó thì cũng cần được chỉnh sửa, tối ưu thật tốt trước khi gửi đi.

Vậy nên, muốn gây ấn tượng mạnh, bạn cần sử dụng CV đã được viết riêng cho vị trí quản lý. Đó có thể là mẫu CV được bạn thiết kế riêng hoặc tham khảo mẫu từ các trang tuyển dụng chuyên nghiệp. Nhưng nó cần đảm bảo hai tiêu chí: cấp bậc ứng tuyển và đặc thù công việc, qua đó phản ánh sự chuyên nghiệp, sự am hiểu rất rõ về vị trí quản lý và công việc bạn ứng tuyển.

Tối ưu từ khóa và ngôn ngữ phù hợp

Nhà tuyển dụng luôn muốn được hình dung rõ nhất về hình ảnh của bạn ở vai trò là nhà quản lý trong doanh nghiệp của họ. Do đó, trong CV bạn nên cố gắng thể hiện rõ mình là ai và như thế nào khi ở vị trí này. Việc này liên quan đến cách bạn sử dụng ngôn ngữ trong CV.

Trong các mục của CV ứng tuyển, bạn cần đưa vào những từ khóa như: phân công, đào tạo, giám sát, điều hành, quản lý, đàm phán, lên kế hoạch… Đây là những từ khóa thể hiện vai trò và công việc của một nhà quản lý, điều hành. Và bạn nên hạn chế dùng những cụm từ khiến nhà tuyển dụng liên tưởng đến công việc của nhân viên thông thường.

Ngoài ra, bạn cũng cần đọc thật kỹ mô tả công việc để tìm ra những từ khóa có mật độ xuất hiện nhiều nhất và quan trọng nhất trong CV, sau đó khéo léo sử dụng chúng trong CV ứng tuyển. Điều này giúp CV của bạn không bị “loại oan” ngay cả khi nhà tuyển dụng sử dụng hệ thống lọc hồ sơ tự động.

Liệt kê thành tích, bằng cấp là chưa đủ

Ở vị trí quản lý, trình độ, bằng cấp, chứng chỉ rất quan trọng. Nó phần nào phản ánh năng lực của bạn, qua đó tạo niềm tin với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ liệt kê đơn thuần thì chưa đủ sức thuyết phục họ.

Muốn gây ấn tượng mạnh, bạn cần thông qua thành tích, bằng cấp để chứng minh năng lực điều hành, định hướng, chỉ đạo công việc. Nhờ năng lực đó bạn đã giúp công ty thu được lợi nhuận hay lợi ích gì. Nếu chưa có thành tích ở cấp bậc này thì ít nhất bạn cần cho nhà tuyển dụng có ý niệm về năng lực quản lý với những bằng cấp, chứng chỉ liên quan và rõ ràng.

Do đó, bạn cần chọn lọc, sắp xếp sao cho hợp lý và đặc biệt chứng minh giá trị mang lại từ thành tích, bằng cấp đó. Bạn có thể đính kèm CV những số liệu, hình ảnh… để tăng tính thuyết phục với nhà tuyển dụng.

Cụ thể hoá kinh nghiệm liên quan

Càng tuyển dụng ở cấp bậc cao, nhà tuyển dụng càng muốn hạn chế rủi ro. Bởi nhà quản lý yếu kém sẽ ảnh hưởng không chỉ đến một người mà cả một hệ thống. Do vậy, nhà tuyển dụng rất coi trọng phần kinh nghiệm ứng viên khi tuyển vị trí quản lý.

Do vậy, bạn cần đặc biệt làm rõ và nổi bật lợi thế của mình với kinh nghiệm liên quan. Nó bao gồm cả công việc ở vị trí tương đương hoặc ít nhất là kinh nghiệm làm việc ở ngành nghề liên quan. Bạn cần ra phân tích lợi ích và giá trị của kinh nghiệm đó, qua đó chứng minh năng lực của bạn hoàn toàn đáp ứng được công việc ở cấp bậc quản lý.

Sở hữu kỹ năng giúp thành công ở mọi vị trí

Kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với mọi vị trí nhưng ở cấp bậc quản lý, nó có thêm yêu cầu và mức độ thành thạo. Đó phải là kỹ năng đáp ứng vai trò, trách nhiệm với công việc quản lý như kỹ năng điều hành, kết nối, giải quyết công việc, trách nhiệm, tự chủ, độc lập…

Để “siêu ấn tượng” với nhà tuyển dụng thì nên đưa thêm kỹ năng giúp bạn có thể thành công ở vị trí quản lý dù với bất kì công việc, ngành nghề nào. Nó gồm kỹ năng như: hoạch định chiến lược, nhìn xa trông rộng, tạo động lực… cùng phẩm chất như bình tĩnh, uy tín, tin cậy, khôn khéo…

Mỗi vị trí tuyển dụng sẽ có tiêu chí khác nhau. Khi ứng tuyển vị trí quản lý, bạn không thể dùng cách viết CV ứng tuyển thông thường. Muốn gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng, bạn cần áp dụng linh hoạt các cách viết trên đây. Chúc bạn thành công!

                                                                                                     Nguyễn Lý