5 điều cần trả lời trước khi nhảy việc

Nhảy việc là hiện tượng không còn xa lạ nhất là đối với những bạn trẻ. Có rất nhiều lý do để bạn nhảy việc. Nhưng cho dù lý do của bạn là gì đi chăng nữa thì việc tìm kiếm và tạo lập một vị trí vững chắc ở công ty mới là điều quan trọng.

Vì vậy trước khi quyết định nghỉ việc và tìm việc làm nhanh tại Hà Nội hay TPHCM, bạn cần cân nhắc trả lời những câu hỏi dưới đây để đảm bảo đưa ra quyết định đúng đắn cho sự nghiệp.

Điều gì đang khiến bạn muốn nhảy việc?

Xác định chính xác vấn đề là bước đầu tiên để giải quyết nó. Vì vậy bạn cần xác định những điều gì khiến bạn không hài lòng ở công việc hiện tại: vấn đề nằm ở con người, môi trường hay bản chất công việc. Sau khi xác định rõ vấn đề bạn có thể tìm cách tự giải quyết hoặc nhờ sự trợ giúp của người khác đối với vấn đề đó mà không cần dùng đến biện pháp cuối cùng là nhảy việc.

 Kể cả cuối cùng vấn đề không được giải quyết đi chăng nữa thì bạn cũng biết rõ mình muốn và không muốn gì ở công ty tiếp theo. Làm điều này giúp bạn tránh được việc rơi vào tình huống tương tự khi ở công ty mới.

Vấn đề là ở công việc hay ở chính bạn?

Nếu nơi bạn rời khỏi là một công ty tệ hại, một công việc bạn không yêu thích thì rất dễ hiểu. Nhưng nếu nó không thực sự tệ, sếp và đồng nghiệp rất hỗ trợ bạn và không có áp lực quá lớn khiến bạn kiệt sức thì sao? Điều bạn muốn đôi khi chỉ là sự thay đổi môi trường hoặc điều gì đó mới mẻ trong cuộc sống. Cuộc sống hiện tại khiến bạn cảm thấy nhàm chán khi lặp đi lặp lại những việc quen thuộc, nhìn những gương mặt quen thuộc.

Hãy xin nghỉ phép dài ngày để thay đổi không khí bằng việc đi du lịch, chuyển chỗ ở, xin làm việc tại một chi nhánh khác của công ty hoặc làm bất cứ điều gì khác với thường ngày. Rất có thể sau khi làm những điều này bạn sẽ thấy quý trọng khoảng thời gian làm việc hiện tại với đồng nghiệp và sếp cũng như thay đổi suy nghĩ về việc rời đi.

Bạn đã có kế hoạch tìm công việc mới chưa?

Sử dụng mô hình SWOT để tìm ra điểm mạnh của bạn và cách bạn có thể tận dụng chúng trong công việc. Hãy bớt suy nghĩ về chức danh công việc và công ty mơ ước mà hãy suy nghĩ nhiều hơn về kinh nghiệm và kỹ năng của bạn. Nếu bạn phát hiện ra mình đang thiếu một kỹ năng hay kiến thức nào đó, hãy lập kế hoạch học tập và thực hành để phát triển những mảng còn yếu.

Bạn có thể cần phải tham gia các khóa học, bắt đầu với vị trí tình nguyện hoặc thực tập sinh. Ngoài ra, hãy nghiên cứu về ngành hoặc công ty bạn hy vọng sẽ chuyển đến. Mục tiêu của bạn có thực tế không hay ước mơ có được công việc tại những tập đoàn lớn mà năng lực của bạn chưa đáp ứng được?

Bạn có đủ khả năng tài chính để nhảy việc không?

Nhảy việc mà chưa có nơi làm việc mới đồng nghĩa với việc mất đi một khoản thu nhập cố định hàng tháng. Để vẫn sống ổn khi nghỉ việc, bạn cần chuẩn bị tài chính cho ít nhất 6 tháng, thậm chí một năm nếu nền kinh tế gặp nhiều biến động, khả năng tìm được việc mới thấp. Ngoài việc chuẩn bị khoản dự trữ, bạn cũng nên lập kế hoạch cắt giảm chi tiêu và chuẩn bị các kế hoạch dự phòng khi tiêu hết số tiền dự trữ hoặc có những biến cố bất ngờ xảy đến làm giảm đi đáng kể khoản dự trữ của bạn.

Để chuẩn bị cho nghề nghiệp mới hoặc công ty mới, bạn có thể sẽ phải đi học vài khóa học để trau dồi kỹ năng, kiến thức. Do vậy phần kinh phí học tập cũng nên được liệt kê trong quá trình chuẩn bị. Trong quá trình đi học, bạn có thể cân nhắc việc làm thêm một số việc phụ để đảm bảo tài chính dự trữ ít bị ảnh hưởng trong thời gian này. Nếu tài chính vững thì hãy cứ tập trung vào trau dồi rèn luyện kiến thức và kỹ năng mới.

Khi nhảy việc, bạn có chắc rằng mình sẽ hạnh phúc hơn không?

Đây là câu hỏi bạn cần phải tự hỏi bản thân khá nhiều lần trong suốt chặng đường sự nghiệp. Từ khi còn là thực tập sinh, hay các công việc làm thêm bạn có thể chỉ làm việc vài giờ một ngày, công việc lúc này chỉ là phần nhỏ cuộc sống của bạn. Nhưng khi trưởng thành, công việc có thể chiếm 8 giờ đến 10 giờ một ngày, thậm chí bạn có thể phải làm việc cả cuối tuần. Nếu như bạn không yêu thích công việc, hay đồng nghiệp, đối tác thì đó sẽ là khoảng thời gian chịu đựng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, năng lượng tinh thần của bạn.

Tóm lại, trước khi nhảy việc, hãy cân nhắc cẩn thận và đừng để bản thân phải hối tiếc. Trả lời các câu hỏi gợi ý trên đây sẽ giúp bạn tìm đưa ra được quyết định đúng đắn.

Hà Phương

Theo: TCTTT