6 điều nên đề cập khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Bên cạnh việc chuẩn bị trả lời những câu hỏi phỏng vấn xin việc thông thường, bạn cũng nên sử dụng quy trình tuyển dụng để tìm hiểu thêm về vai trò và công ty nhằm tìm hiểu về công ty và liệu bạn có muốn trở thành một phần của công ty hay không. Để làm được điều đó, việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng là cần thiết.

Nếu bạn chưa có ý tưởng gì thì đây là gợi ý mà bạn có thể áp dụng vào quá trình tìm việc làm ở TPHCM, Hà Nội… sắp tới.

Một ngày hoặc một tuần điển hình của nhân viên ở vị trí này như thế nào?

Đây là câu hỏi giúp bạn hiểu chi tiết về công việc và đánh giá xem liệu nó có phù hợp với kỹ năng, sở thích và mục tiêu nghề nghiệp của bạn hay không. Hỏi điều này cũng cho bạn biết liệu bạn có thích thú và hoàn thành tốt các nhiệm vụ liên quan hàng ngày hoặc hàng tuần hay không.

Một số người phỏng vấn sẽ trả lời câu hỏi này rằng “Ồ, mỗi ngày đều khác nhau”. Nếu điều đó xảy ra, hãy thử hỏi, “Anh/chị có thể cho em biết tháng vừa qua đối với người đang làm công việc đó như thế nào không? Điều gì chiếm phần lớn thời gian của họ?”

Nếu không có câu trả lời nào giúp bạn có được bức tranh rõ ràng về việc bạn sẽ sử dụng thời gian như thế nào thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn hoặc đó là công việc mà những kỳ vọng không bao giờ được xác định rõ ràng.

Người trước đây đảm nhiệm vai trò này phải đối mặt với thách thức nào?

Câu hỏi này cung cấp cho bạn sự rõ ràng về kỳ vọng đối với vị trí – những điều mà không bao giờ thấy được trong mô tả công việc. Bạn có phải đối mặt với những lời phê phán chỉ trích khó nghe, hoặc đồng nghiệp rất khó hòa hợp hoặc ngân sách eo hẹp hay không. Bạn có thể sẽ biết được thông qua câu hỏi này.

Phản ứng do dự và giải thích mơ hồ sẽ là tín hiệu đáng báo động, trong khi thái độ tích cực kèm theo lời diễn giải cụ thể là một dấu hệu đầy hứa hẹn. Trong trường hợp này, bạn có thể nói thêm về cách bạn đã đối mặt với những thách thức tương tự trong quá khứ. Điều này sẽ khiến người phỏng vấn yên tâm hơn.

tuyển dụng nội bộ

Thành công ở vị trí này được đo lường ra sao?

Đây cũng là điều bạn nên đề cập khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Các công ty thường đăng các bản mô tả công việc chủ yếu sử dụng ngôn ngữ soạn sẵn từ bộ phận nhân sự, trong khi người quản lý thực tế lại có những ý tưởng rất khác nhau về điều gì là quan trọng nhất đối với vai trò. Vì vậy, hỏi điều này là cần thiết. Bạn có thể phát hiện ra rằng mặc dù tin tuyển dụng chỉ liệt kê 9-10 trách nhiệm khác nhau nhưng thực tế, thành công chỉ phụ thuộc vào 2 trong số đó, hoặc tin tuyển dụng đã đánh giá thấp tầm quan trọng của một trong số đó hoặc người quản lý không biết thành công trong công việc sẽ như thế nào. Đây là dấu hiệu cảnh báo bạn cần hết sức thận trọng.

Anh/chị có thể nói rõ hơn về văn hóa công ty không? Ai sẽ phù hợp với nơi đây và ai thì không?

Đôi khi, văn hóa công ty không được mô tả chính xác trong tin tuyển dụng. Văn hóa của một công ty đóng một vai trò quan trọng trong trải nghiệm làm việc của bạn. Câu hỏi này cho phép bạn đánh giá liệu tổ chức có nuôi dưỡng một môi trường làm việc thú vị hay nhân viên chủ yếu tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Văn hóa tích cực, đặc trưng bởi cơ hội phát triển nội bộ và tinh thần nhân viên cao, góp phần đáng kể vào sự hài lòng trong công việc.

Bạn thích điều gì khi làm việc ở đây?

Bạn có thể học được nhiều điều qua cách người phỏng vấn trả lời câu hỏi này. Những người thực sự yêu thích công việc của mình và công ty thường sẽ có nhiều điều họ có thể trích dẫn và thường có vẻ chân thành. Nhưng nếu bạn nhận được cái nhìn trống rỗng hoặc im lặng một lúc lâu trước khi trả lời, hoặc câu trả lời đại loại như “tiền lương”, hãy coi đó là một tín hiệu cảnh báo về những thách thức tiềm ẩn trong trải nghiệm làm việc.

Anh/chị có muốn em trả lời bất kỳ điều gì khó hiểu trong CV không?

Khi bạn đặt hỏi về bất kỳ mối lo ngại tiềm ẩn nào hoặc thông tin còn thiếu trong CV của bạn, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn và người phỏng vấn giải quyết chúng một cách trực tiếp. Nó thể hiện khả năng tiếp thu những phản hồi mang tính xây dựng và mong muốn cải thiện của bạn, đó là những phẩm chất quý giá ở một nhân viên tương lai.

Mặc dù bạn có thể đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về một số điều nhất định nhưng nên tránh hỏi về bất kỳ điều gì đã được đề cập trước đó. Đừng để họ nghĩ rằng bạn thiếu sự chuẩn bị và không có sự nhiệt tình dành cho công việc.

Vân Phạm