Tầm quan trọng của CV đối với bất cứ ngành nghề nào cũng đều được đặt ở vị trí số một trong quá trình tìm kiếm việc làm. Đối với ứng viên Marketing, thiết kế CV cũng là một thử thách cần vượt qua.
Vì vậy, nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm viết CV thực tập sinh Marketing và còn bối rối không biết nên thể hiện gì để nhà tuyển dụng nhìn thấy tiềm năng của mình, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để tạo CV dễ dàng hơn.
Xác định mục tiêu nghề nghiệp phù hợp
Bất kỳ công việc nào cũng luôn cần mục tiêu và kế hoạch cụ thể, đối với vị trí marketing thì điều này còn quan trọng hơn rất nhiều. Bởi lẽ marketing là một ngành lớn với rất nhiều xu hướng công việc và vị trí chuyên môn khác nhau. Ứng viên khi ứng tuyển cần thể hiện cho doanh nghiệp thấy bạn đang có những định hướng nào, đích đến của bạn trong ngành này là ở đâu.
Bạn hoàn toàn có thể chia mục tiêu nghề nghiệp thành ngắn hạn và dài hạn để dễ trình bày hơn. Với mục tiêu ngắn hạn trong vòng 1 năm, hãy thể hiện mong muốn làm quen và thành thạo ở một vị trí chuyên môn cụ thể. Khi viết mục tiêu ngắn hạn, nên thực tế và cụ thể mảng hoặc lĩnh vực mà bạn hứng thú trong 3 đến 5 năm tới.
Làm nổi bật kinh nghiệm và kỹ năng làm việc marketing
Để nhà tuyển dụng có thể hình dung về những gì bạn đã từng làm, đừng bao giờ để trống phần kinh nghiệm làm việc hoặc liệt kê qua loa những hoạt động không liên quan trong CV thực tập sinh Marketing. Đây là lỗi thường gặp ở các bạn Marketer tập sự không có hoặc có quá ít kinh nghiệm chuyên môn.
Lời khuyên ở đây là hãy dựa vào mô tả vị trí công việc đang ứng tuyển để liệt kê những kinh nghiệm phù hợp. Đừng bỏ qua những dự án ở trường học, miễn là nó thể hiện được vai trò và kỹ năng của bạn về sáng tạo nội dung, thương hiệu hoặc chiến dịch mạng xã hội,… Ở phần này, ứng viên nên thể hiện bằng các số liệu, dẫn chứng cụ thể. Ví dụ như Có kinh nghiệm quản lý và đảm bảo key visual (yếu tố thị giác) cho sự kiện ra mắt sản phẩm thu hút 2000 người hoặc Có kinh nghiệm sáng tạo nội dung cho hơn 3 thương hiệu thuộc các lĩnh vực,…
Chứng chỉ liên quan đến công việc
Đối với một số công việc đặc thù trong marketing đòi hỏi các chứng chỉ như ngoại ngữ, thiết kế hoặc tin học thì đây cũng là cơ hội để bạn thêm vào CV những nội dung này. Các chứng chỉ đạt được thông qua các khóa học trực tuyến, trực tiếp cũng có thể giúp nhà tuyển dụng biết bạn nghiêm túc với công việc và có những học hỏi, trau dồi kiến thức.
Chứng chỉ Google Digital Marketing hoặc Microsoft Power BI Data Analyst cũng rất hữu ích nếu nó cần thiết cho công việc bạn đang ứng tuyển. Ngoài ra bạn đừng ngần ngại đính kèm các sản phẩm được thực hiện như một bản portfolio bao gồm các bài viết (dành cho vị trí content) hoặc bản thiết kế (đối với vị trí branding),… Đây là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá mức độ phù hợp của bạn đối với công việc.
Trình bày và thiết kế sáng tạo, nổi bật
Không chỉ có nội dung, cách thức trình bày cũng được xem là yếu tố “ăn điểm” trong CV thực tập sinh Marketing. Bố cục đơn giản và rõ ràng luôn là ưu tiên trước khi muốn thể hiện những sáng tạo. Vì thế lưu ý nên chọn những phông chữ phổ biến để CV không bị các phần mềm sàng lọc bỏ qua hoặc đọc sai định dạng. Cũng nên tối ưu các từ khóa quan trọng trong lĩnh vực marketing, chú ý lỗi chính tả để đảm bảo sự chỉn chu và chuyên nghiệp.
Trước khi gửi hồ sơ ứng tuyển, bạn nên dành thời gian tùy chỉnh thông tin tương ứng với từng vị trí và doanh nghiệp, ví dụ như sử dụng màu sắc CV thực tập sinh Marketing theo màu chủ đạo của logo công ty… Điều này sẽ giúp bạn dễ có điểm hơn từ nhà tuyển dụng.
Tiến Huy