Đề nghị truy tố vợ chồng Đường Nhuệ vụ “ăn chặn trên xác người chết” ở Thái Bình

Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này có khoảng 25 cá nhân, công ty là bị hại của Đường Nhuệ và đồng bọn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 56, đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND cùng cấp để đề nghị truy tố Nguyễn Xuân Đường (SN 1971, tức Đường Nhuệ) về tội “cưỡng đoạt tài sản” quy định tại điều 170, Bộ luật hình sự.

Cùng tội danh bị khởi tố có Nguyễn Thị Dương (SN 1980, vợ Đường); Quách Việt Cường (SN 1974, trú tại Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình); Ninh Đức Lợi (SN 1974, trú phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình); Nguyễn Khắc Nin (SN 1979, trú huyện Kiến Xương); Phạm Văn Úy (SN 1989, trú phường Quang Trung, thành phố Thái Bình).

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình xác định, có khoảng 25 cá nhân và công ty cùng nhiều người khác là bị hại của Đường Nhuệ và đồng bọn.

Theo điều tra, Đường Nhuệ bị tố giác thu phí 500.000 đồng cho một ca hoả táng. Việc thu tiền diễn ra từ đầu năm 2018, kể từ khi Hiệp hội tang lễ Thái Bình thành lập do Đường điều hành, quản lý.

Biết là vô lý, nhưng vì lo sợ không được yên ổn làm ăn nên hàng chục đơn vị làm dịch vụ tang lễ trên địa bàn đều thực hiện việc nộp tiền vào ngày mùng 5 và 20 hàng tháng.

Để không bỏ sót một ca hỏa táng nào, việc nhắn tin thông báo đến một số điện thoại là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị dịch vụ tang lễ, sau khi nhận hỏa táng cho người đã mất. Nếu đơn vị nào không thực hiện việc báo ca, tự ý đi hỏa táng thì lập tức sẽ bị nhóm côn đồ chặn xe đe dọa, hoặc phạt số tiền lên đến vài triệu đồng, thậm chí có thể không được tiếp tục làm ăn.

Căn nhà của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường.

Về hành vi cưỡng đoạt tài sản, núp bóng dưới hình thức hoạt động của “Hiệp hội tang lễ Thái Bình”, thông tin từ nhà chức trách Thái Bình cho biết, từ tháng 12/2017, bằng nhiều thủ đoạn đe doạ, gây rối, khống chế, Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn đã buộc Công ty Thành Phát (là công ty làm dịch vụ hoả táng cho Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long, Nam Định) phải ngừng hoạt động tại Thái Bình.

Tiếp đó, Đường cùng Ninh Đức Lợi tìm cách thâu tóm địa bàn bằng cách tự tuyên bố là Chủ tịch “Hiệp hội tang lễ” (đã được các công ty dịch vụ tang lễ thành lập từ trước nhưng chưa xin phép chính quyền).

Đường đã đứng ra phân chia địa bàn hoạt động cho các công ty dịch vụ tang lễ và tự ý đặt ra quy định về các khoản nộp bắt buộc tính trên số ca hoả táng, được gọi là hội phí và quỹ từ thiện, nhưng toàn bộ số tiền đó là do Đường thu và toàn quyền quyết định.

Bằng các hành vi đe doạ, cưỡng ép, Đường đã buộc các công ty hoạt động dịch vụ tang lễ trên địa bàn phải chấp nhận các quy định của chính mình.

Do sợ bị trả thù, các công ty này không giám tố cáo đến các cơ quan chức năng về hành vi của Nguyễn Xuân Đường.

Theo: Pháp luật và bạn đọc