Dù mang tên “kỳ lân biển”, nó thực chất thuộc bộ cá voi. Vẻ ngoài kỳ lạ khiến loài này được nhiều người chú ý.
Loài này có tên tiếng Anh là “narwhal”, thuộc họ kỳ lân biển cùng với cá voi trắng. Tuy nhiên, cá voi trắng không có chiếc sừng như chúng. Kỳ lân biển sống quanh năm ở khu vực vùng Bắc Cực lạnh giá. Đây là nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt với những lớp băng biển dày đặc trong 6 tháng mùa đông. Ảnh: WWF.
Điều khiến kỳ lân biển được chú ý nhiều nhất là chiếc sừng dài. Tuy nhiên, nó thực ra không phải sừng, mà là răng của con cá. Kỳ lân biển là loài cá voi có răng. Tuy nhiên, răng của chúng không thực sự nằm trong miệng. Ảnh: Time.
Chỉ kỳ lân biển đực mới có một chiếc răng dài, thẳng, nhô ra khỏi hàm trên bên trái khoảng 1,8-3 m. Thông thường, chiếc răng của con cá đực trưởng thành thường dài hơn nửa tổng chiều dài cơ thể chúng (khoảng 5 m). Răng mọc theo hình xoắn ốc ngược chiều kim đồng hồ, giống chiếc sừng kỳ lân truyền thuyết. Ảnh: Oceana.
Thực tế, trong quá khứ, chiếc răng của kỳ lân biển cũng được xếp vào hạng quý hiếm. Theo Earthsky, đây là món hàng được người Viking đem từ Bắc Cực tới châu Âu, Địa Trung Hải và Viễn Đông thời Trung Cổ. Chỉ có những người rất giàu mới đủ tài chính để sở hữu chúng. Thậm chí, ngai vàng của vua Đan Mạch những năm 1600 cũng được trang trí bằng răng kỳ lân biển. Ảnh: Wikimedia.
Chiếc răng dài của kỳ lân biển không có vai trò quá lớn trong đời sống. Con cái không có răng dài vẫn sống lâu như con đực. Nhiều giả thuyết khác đặt ra về công dụng của nó như phá băng, “đấu kiếm” hay cảm nhận nhiệt độ, đào dưới đáy biển… Tuy nhiên, những giả thuyết này vẫn chưa thực sự được chứng minh. Ảnh: Reddit.
Theo Earthsky, công dụng chính của nó đơn giản chỉ là đặc điểm giới tính. Giống sư tử sử dụng bờm hay chim công sử dụng lông, loài cá voi này dùng chiếc răng dài để xác định thứ bậc xã hội và tranh giành con cái. Dù vậy, các nhà khoa học chưa đưa ra những tài liệu cụ thể về điều này. Ảnh: Natural World Safaris.
Kỳ lân biển có vai trò quan trọng với nền kinh tế và văn hóa của các cộng đồng bản địa ở Greenland hay Canada. Hiện nay, loài này đang chịu ảnh hưởng từ sự ấm lên toàn cầu. Một vấn đề khác với kỳ lân biển là ô nhiễm tiếng ồn do loài này giao tiếp bằng âm thanh. Các tàu vận chuyển đi qua Bắc Cực ngày một nhiều khiến vùng biển ồn ào hơn. Dù vậy, ít nhất tới hiện tại, kỳ lân biển vẫn thuộc nhóm “ít quan tâm” về tình trạng bảo tồn. Ảnh: Natural World Safaris.
Theo: Zing.vn