Để đảm bảo công tác an toàn chống dịch, người dân TP HCM sẽ được các tổ công tác đặc biệt trên địa bàn đi chợ hộ một lần một tuần.
Xem thêm:
- Người phụ nữ ở TP.HCM làm ‘dịch vụ’ tiêm vaccine, thu lời 60 triệu
- 31 đối tượng được cấp giấy đi đường tại TP HCM từ 0 giờ…
Đây là một trong những nội dung vừa được UBND TP HCM đưa ra liên quan kế hoạch cung cấp hàng hóa và an sinh xã hội khi thành phố thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” từ ngày 23/8 đến 6/9.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận huyện sẽ thực hiện việc phân phối hàng hoá và lương thực thực phẩm cho người dân. Trong đó, việc cung ứng lương thực cho dân được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”. Những nhóm công tác đi chợ hộ cho dân là Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương, các lực lượng công an, quân đội. Tần suất thực hiện đi chợ hộ là một lần một tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).
Đối với người dân khó khăn và ảnh hưởng của Covid-19, Ủy ban nhân dân các quận huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp với trung tâm tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa thiết yếu, tổ chức cấp phát các túi An sinh miễn phí cho người dân đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót trường hợp khó khăn nào.
Nếu thiếu hụt nguồn cung, Ủy ban nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức phải báo về Sở Công thương hỗ trợ bổ sung và tổ chức điều phối các chuyến xe hàng lưu động, siêu thị mini di động để hỗ trợ thêm kênh phân phối hàng hóa đến người dân.
Đối với các hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn thành phố là Co.opmart, Lotte, Bách Hóa Xanh, Vinmart… chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận huyện rà soát thống kê nhu cầu của người dân trên địa bàn. Mục đích tổ chức phân phối hàng hóa thực phẩm cho người dân phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thực tế và tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Thành phố cũng đề nghị các đơn vị phân phối ưu tiên thực hiện các giải pháp bán hàng trực tuyến, đăng ký trước và bán theo combo. Song song đó, các hệ thống phân phối lên phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ kịp thời không để xảy ra tình trạng đứt gãy gián đoạn nguồn cung hàng hóa. Mặt khác, các hệ thống cần chủ động phối hợp tổ hậu cần từng xã phường thị trấn để nắm bắt thông tin số lượng chủng loại giỏ hàng lượng hàng của từng khu vực để điều phối chuẩn bị giao hàng kịp thời để cung ứng hàng hóa cho người dân.
Ngoài ra, trong thời gian tăng cường các biện pháp giãn cách này, các hệ thống siêu thị, điểm sản xuất đủ điều kiện hoạt động như lò bánh mì, bún, hủ tiếu, đậu… vẫn được duy trì. Chỉ có hình thức phân phối hàng thay đổi là thông qua các tổ đặc biệt rồi giao đến người dân có nhu cầu.
Trước đó, TP HCM cũng yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ phải lập Tổ cung ứng hàng hóa tại địa phương, trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Tổ này triển khai phương án cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn rà soát, thống kê nhân khẩu (lưu trú, vãng lai) để đảm bảo hoạt động chăm lo, cung ứng hàng hóa cho người dân; tổng hợp thông tin báo cáo về Sở Công Thương để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố.
Theo tính toán của TP HCM, thành phố có khoảng 9,4 triệu dân. Dự kiến nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày là 10.964 tấn. Trong đó bao gồm: gạo là 1.981 tấn; lương thực chế biến khô là 660 tấn; thịt gia súc là 755 tấn; thịt gia cầm 660 tấn; thực phẩm chế biến 236 tấn; trứng gia cầm 108; tấn rau củ quả 4.246 tấn …
Nguồn: Vnexpress