Viết trình độ học vấn trong CV theo cách chuẩn nhất

Trình độ học vấn là nội dung quan trọng trong CV xin việc của ứng viên, thậm chí nó quyết định bạn có phải là người được lựa chọn hay không. Thông qua nội dung này, nhà tuyển dụng đánh giá được năng lực của ứng viên, đo lường giá trị có thể đóng góp và mức độ phù hợp với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn chưa đánh giá hết tầm quan trọng của phần trình độ học vấn trong CV nên không làm nổi bật được giá trị của mình. Vậy bạn nên viết thế nào cho nổi bật khi tạo CV online?

Ghi trình độ học vấn ở bậc học cao nhất

Bạn ghi bậc học cao nhất của mình để nhà tuyển dụng biết được trình độ của mình ở mức độ nào, có phù hợp với công việc và môi trường làm việc hay không.

Ví dụ nếu đã tốt nghiệp phổ thông, bạn hãy ghi trình độ học vấn 12/12; nếu tốt nghiệp Đại học hãy ghi trình độ là Đại học; nếu bạn đã học xong Thạc sĩ, Tiến sĩ thì hãy ghi trình độ học vấn là Sau đại học.

Bạn chỉ nên chọn trình độ ở bậc học cao nhất, không nên liệt kê tất cả trình độ học vấn ở các cấp bậc học, từ phổ thông đến Cao đẳng, Đại học. Bởi chắc chắn bạn phải tốt nghiệp trình độ phổ thông thì mới có thể học cao hơn. Chưa kể nhà tuyển dụng cũng không quan tâm trình độ ở bậc học dưới, bạn viết vào chỉ khiến CV dài dòng mà không hiệu quả.

Nên bao gồm cả trình độ chuyên môn

Trình độ học vấn là bậc học cao nhất nhưng nó chưa thể hiện rõ trình độ chuyên môn đặc biệt năng lực liên quan tới vị trị ứng tuyển. Do đó, bạn cần ghi thêm cả trình độ chuyên môn ngay dưới trình độ học vấn.

Theo đó, nhà tuyển dụng biết bạn học chuyên ngành gì, có phù hợp và đáp ứng tiêu chí của họ không. Bạn nên ghi rõ tên trường, chuyên ngành đã học. Điều này giúp thông tin bạn đưa ra có sự tin cậy cao và biết đâu chính uy tín ngôi trường lại giúp bạn được đánh giá cao. Ví dụ, tốt nghiệp chuyên ngành Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, chuyên ngành Công nghệ thông tin…

Kể cả phần trình độ chuyên môn không liên quan tới công việc ứng tuyển nhưng ít nhất nó cũng giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ về bạn, không mất thời gian để tìm hiểu thêm. Bạn cũng hạn chế được khả năng bị nhà tuyển dụng hiểu sai từ thông tin chưa được kiểm chứng.

Cũng không nhất thiết bằng cấp bạn đưa ra phải từ hình thức đào tạo chính thống. Những khóa học ngắn hạn, văn bằng 2… liên quan tới chuyên môn hay kỹ năng mới luôn được nhà tuyển dụng ghi nhận.

Tuy nhiên bạn không nên quá tham lam ở nội dung này. Bạn chỉ nên lựa chọn 2-3 bằng cấp tiêu biểu và nên sắp xếp viết theo thứ tự thời gian từ gần đến xa hơn.

Thể hiện thành tích học tập

Dưới mỗi trình độ chuyên môn, bạn nên thêm một số thành tích học tập tiêu biểu. Nhà tuyển dụng luôn bị thu hút nội dung này vì nó không chỉ cho thấy năng lực ứng viên mà còn giúp họ nhìn thấy tố chất của nhân sự thành công trong tương lai.

Tuy nhiên, bạn lưu ý là chỉ nên chọn thành tích tiêu biểu nhất, có mối liên hệ tới công việc ứng tuyển. Bạn cũng không cần thiết phải ghi điểm tốt nghiệp trừ khi được nhà tuyển dụng yêu cầu. Bởi nếu điểm thấp thì có thể nó còn khiến bằng cấp của bạn mất đi giá trị trong mắt nhà tuyển dụng.

Thành thật trong mọi thông tin

Những thông tin bạn nêu trong mục trình độ học vấn trong CV nói riêng và cả hồ sơ xin việc nói chung cần đảm bảo sự chính xác, trung thực. Đừng vì mong muốn đáp ứng toàn bộ tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng, đừng vì muốn nổi bật hơn ứng viên khác mà bạn “nói quá” về học vấn.

CV chỉ là bước khởi đầu, bạn còn phải vượt qua thử thách khác trước khi đạt được công việc mong muốn. Do đó, đừng tự làm khó chính mình. Hơn nữa, không phải cứ trình độ cao là được chọn. Bởi sự phù hợp giữa trình độ với công việc còn quan trọng hơn cả học vấn cao nhưng không liên quan tới vị trí ứng tuyển.

Chưa kể, rủi ro đến từ việc nói dối, thiếu trung thực là rất lớn. Nếu nhà tuyển dụng phát hiện, bạn đã tự đánh mất cơ hội việc làm của mình.

Sự trung thực cũng làm cho CV của bạn trở nên nhất quán. Sự nhất quán từ hình thức tới nội dung giúp hình ảnh bạn trong mắt nhà tuyển dụng có uy tín cao, rõ ràng và nổi bật.

Như vậy, viết trình độ học vấn trong CV không đơn giản chỉ là bạn thông báo cấp bậc học của mình. Để thu hút và “lọt mắt xanh” của nhà tuyển dụng bởi trình độ học vấn thì nhất định bạn cần áp dụng 4 lưu ý trên.

                                                                                                    Nguyễn Lý