Về Cần Thơ có tô hủ tiếu, có câu vọng cổ, có chiếc thuyền ngoài xa, có cả cái hồn của miền Tây sông quê chất phác!
Xem thêm:
- 12 địa điểm du lịch nguy hiểm bậc nhất hành tinh không dành cho…
- Gia đình nhỏ 3 người đi du lịch khắp nơi trên chiếc xe tải…
Giờ xách balo đi du lịch, bên cạnh những điểm đến quen thuộc với nào là tắm biển, leo núi, sống ảo. Du khách Việt Nam cũng dành sự chú ý đặc biệt cho miền Tây Nam Bộ. Không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi nét bình yên vốn có của vùng sông nước hữu tình với những vườn cây ăn trái, kênh rạch chằng chịt hay cánh đồng cò bay thẳng cánh, nơi đây còn sở hữu nhiều điểm check-in mới lạ có thể “đổi gió” cho chuyến đi của bạn. Một trong số đó chính là Cần Thơ – thủ phủ của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Mới đây, bộ ảnh check-in Cần Thơ của travel blogger Lý Thành Cơ trên Facebook nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng mạng. Chia sẻ về chuyến đi lần này, anh chàng bộc bạch: “Cần Thơ chỉ cách Sài Gòn tầm 3 tiếng 30 phút đi xe khách, nhưng đã lâu mình chưa có dịp ghé đến. Chuyến đi về Cần Thơ này như lời xin lỗi vì đã lỡ hẹn với thành phố nằm bắc qua dòng sông Mekong quá nhiều lần.”
Mang balo trên vai và theo chân Lý Thành Cơ về thăm Cần Thơ lần này, ta thấy có một miền quê “gạo trắng nước trong” hiện lên thật đẹp qua 6 điểm đến khiến ai cũng “lòng không muốn về”!
Trải nghiệm Chợ nổi Cái Răng
4h30 sáng đã lọ mọ dậy trước cả đồng hồ báo thức vì có hẹn với thằng em xuất phát đi chợ nổi lúc 5 giờ sáng. Đối với mình, chợ nổi chỉ là những câu chuyện, những bức ảnh nổi bật về miền Tây trên mạng vẫn thường thấy, nhưng trải nghiệm thì đây mới chỉ là lần đầu tiên. Lên chiếc ghe máy của dì Mai khi trời hãy còn xanh xao, lướt xuôi theo chiều nước từ bến Ninh Kiều, dòng sông đưa mình đến nhanh chợ nổi Cái Răng – một điểm đến nổi tiếng bậc nhất tại Cần Thơ.
Khi đến nơi, những chiếc ghe máy chở đầy trái cây, cafe và hàng quán bán đồ ăn sáng dần ghé sát xung quanh mình. Cảm giác lúc này thật thích khi vừa được ngồi trên chiếc ghe đung đưa, tay chìa ra chờ nhận tô hủ tiếu chú Tèo ghe bên cạnh đang múc từng muỗng nước lèo, rồi một chị đứng trên đầu ghe nhanh chóng chuyền qua cho khách. Thú thật, mình ngồi ăn mà có phần hơi lo sợ vì những chiếc ghe từ xa rẽ nước vào tạo cơn sóng nhẹ làm chiếc bàn nhỏ bắc ngang qua ghe cứ lắc lư mãi. Nhưng chỉ một lúc sau cũng quen hơn, cứ thế ăn thản nhiên và đung đưa mình theo dòng nước.
Một chị bán cafe chạy đến như đâm thẳng vào bên hông ghe của dì Mai: “Uống nước gì không em? Cafe, nước ngọt, dừa tươi, chị có hết!”. Gọi ly cafe sữa đá, chị làm xong rồi đặt nhẹ lên ghe mình và lấy tiền. Ôi cuộc sống trên sông nước thú vị đến lạ mà chưa bao giờ mình nghĩ sẽ một lần được trải nghiệm! Đúng là cái xứ đến một chút mà yêu nhiều lần. Yêu sao từng con sóng nhỏ, yêu giọng mời chào mua hàng, và cả nụ cười hiền của người dân miền sông nước!
Trải nghiệm tại Lò hủ tiếu 9 Của
Tiếp tục ngồi trên chiếc ghe máy của dì Mai, anh bạn Hảo đi cùng nhờ dì đưa đến địa điểm tiếp theo ở cuối chặng đường sau khi rời khỏi chợ nổi Cái Răng. Nhiều ghe du lịch thường lựa chọn dừng tại lò chú 9 Của – một cơ sở làm hủ tiếu đơn sơ, mộc mạc và rất giàu truyền thống. Đến đây, mọi người hãy thử xắn tay áo vào nhào bột, vớt bánh và tận mắt chứng kiến những công đoạn làm nên sợi hủ tiếu trứ danh xứ Cần Thơ và miền Tây nhé!
Tham quan Nhà cổ Bình Thủy
Nằm ở số 144 đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, đến Cần Thơ chắc ai cũng từng nghe nhắc tới căn nhà cổ với lối kiến trúc phương Tây đẹp nhất xứ Tây Đô này. Dù đã gần 150 tuổi, kiến trúc ngôi nhà sau bao lần tu sửa và chăm chút vẫn luôn có lớp áo mới tinh tươm và thu hút không ít du khách tìm đến.
Nhà cổ trăm tuổi này được xây dựng từ năm 1870 bởi gia đình họ Dương. Kiến trúc màu vàng pha với sắc ngọc bích gồm tổng cộng 5 gian 2 mái, thiết kế theo phong cách Pháp chủ đạo nhưng cũng không quên điểm xuyến hoa văn tinh tế của phương Đông. Từ sân trước nhìn vào, bạn sẽ thấy 2 lối dẫn vào nhà là chiếc cầu thang hình cánh cung. Khi bước chân vô trong, sự thoáng mát của nền gạch và sự ấm cúng của vật liệu gỗ khiến không gian ngôi nhà này trở nên “đáng sống” hơn hẳn!
Ghé thăm Đình Bình Thủy
Tọa lạc tại số 46/11A, đường Lê Hồng Phong, quận Bình Thủy, ngôi đình được xây dựng từ năm 1844 này được mệnh danh là cổ xưa nhất ở vùng Nam Bộ. Vốn có cái tên đầy chất thơ là Long Tuyền Cổ Miếu, nhưng vì nằm ở đầu đường vào quận Bình Thuỷ và nằm cạnh con rạch cùng tên nên cho tới nay người dân vẫn quen gọi là Đình Bình Thủy.
Cả khu đình tọa lạc tại một khu đất rộng đến 4.000m vuông, với kiến trúc tô điểm bằng màu vàng nghệ, khiến ta có cảm giác như đang dạo bước ở Hội An. Ngôi đình này có khu thờ phụng được chia thành nhiều gian với tên gọi khác nhau. Dù đã được xây dựng khá lâu từ thế kỷ 20, Đình Bình Thủy đến nay vẫn giữ được vẹn nguyên những mảng chạm trổ, điêu khắc đặc trưng vùng Nam Bộ xưa kia.
Lạc bước đến Chợ cổ Cần Thơ
Chợ cổ Cần Thơ còn được biết đến với tên gọi Chợ Hàng Dương, được xem là khu chợ có kiến trúc đẹp nhất nhì vùng sông nước Cần Thơ cùng bề dày lịch sử lên đến 100 năm. Toạ lạc ngay trên con đường Hai Bà Trưng ở Bến Ninh Kiều, ngày nay, chợ được phổ biến cho hoạt động du lịch với hơn 20 gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, đến đây bạn chỉ nên tham quan chứ việc mua sắm cần hạn chế vì giá khá đắt, chỉ phù hợp với khách du lịch nước ngoài. Tuy vậy, kiến trúc ấn tượng của chợ cũng là điểm đặc biệt đáng ghé thăm.
Chùa Ông – Nét đẹp người Hoa giữa lòng Cần Thơ
Nằm ở số 32 đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, Chùa Ông còn được biết đến với cái tên Quảng Triệu Hội Quán, vì nơi đây được xây dựng lên để phục vụ cho cộng đồng người Hoa ở Quảng Đông và Triệu Khánh di cư đến Cần Thơ từ thế kỷ 17 – 18.
Ấn tượng lớn nhất của mình chính là việc ngôi chùa nằm lọt thỏm giữa nhưng căn nhà hiện đại ngay sát Bến Ninh Kiều với màu sơn son đỏ nổi bật. Khi chỉ chợt đi ngang qua, chắc chắn ai cũng phải ấn tượng và ngoái nhìn ngôi chùa. Từ năm 1993, Chùa Ông đã được công nhận là di sản cấp Quốc gia cần được bảo tồn. Đến đây, bạn sẽ cảm nhận được mùi hương thơm nghi ngút và một không gian trầm mặc, khác hẳn nhịp sống nhộn nhịp, tấp nập của “thủ phủ miền Tây” Cần Thơ.
Nguồn: Helino