Cập nhật Covid-19 ngày 10/4: Trung Quốc chỉ ghi nhận 1 ca tử vong trong 24 giờ, số người chết ở New York tăng kỷ lục

Tính đến ngày 10/4. tổng số ca nhiễm nCoV trên toàn thế giới là 1.600.831, với 95.601 trường hợp tử vong và 355.671 người đã hồi phục. Cho đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và lây lan đến 209 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Xem thêm:
Mỹ đã ghi nhận thêm 31.516 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 466.546, số ca tử vong là 16.607, tăng 1.816 trường hợp so với ngày hôm trước. Thành phố New York ghi nhận số ca tử vong tăng kỷ lục trong 24 giờ qua, có 824 người chết. Đây là một dấu hiệu tiêu cực cho thấy dù đường cong dịch bệnh đã được nỗ lực làm phẳng với tỷ lệ người nhiễm và nhập viện thấp hơn, nhưng cuộc khủng hoảng ở thành phố này vẫn còn rất lâu nữa mới kết thúc.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết có 42 trường hợp mới được xác nhận tính đến ngày 9/4, trong đó 38 trường hợp được cho là du khách đến từ nước ngoài. Theo đó, tổng số ca nhiễm ở quốc gia này 81.907. Trung Quốc chỉ ghi nhận 1 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người chết lên 3.336.

Tây Ban Nha – ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, có thêm 5.002 người nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 153.222, có thêm 655 trường hợp tử vong, theo đó số người chết ở nước này là 15.447. Do có quá nhiều người chết và phải hạn chế tụ tập đông người, đám tang ở Madrid chỉ diễn ra trong 15 phút, mỗi gia đình được phép có 5 người tham dự và được yêu cầu giữ khoảng cách trong thời gian đưa tiễn người thân.

Italy báo cáo số ca nhiễm virus corona mới và các trường hợp tử vong tăng lên sau khi chính phủ nước này cân nhắc về việc kéo dài thời gian phong toả. Cơ quan y tế dân sự cho biết Italy có thêm 4.204 ca nhiễm mới, tăng 3.836 ca trong ngày hôm trước. 24 giờ qua, quốc gia châu Âu này có thêm 610 người chết, trong khi ngày hôm trước là 542. Hiện tại, tổng số ca tử vong là 18.279. Quyết định tăng tốc độ xét nghiệm được đưa ra có thể là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tại nước này tăng vọt trong thời gian gần đây. Trong 2 ngày qua, đã có gần 100.000 người được xét nghiệm.

Số người dương tính với SARS-CoV-2 ở Đức tăng 3.505 và 4.861, theo đó tổng số ca nhiễm nước này hiện là 116.801. Trong khi đó, số người chết tăng thêm 102, nâng trường hợp tử vong lên 2.451. Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra thông báo, việc đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn có thể là không cần thiết khi số ca nhiễm tăng chậm lại là một “mối hy vọng thận trọng”.

Anh hiện là vùng dịch lớn thứ 5 châu Âu, ghi nhận 4.344 ca nhiễm và 881 truờng hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên 65.077 và 7.978. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab, hiện vẫn còn quá sớm để dỡ bỏ lệnh phong toả tại Anh sau gần 3 tuần, bởi số người chết vẫn tăng lên và dịch bệnh chưa đạt đỉnh. Patrick Vallance – cố vấn lĩnh vực khoa học của chính phủ, cảnh báo rằng số người chết có thể sẽ tăng lên trong vài tuần. Hiện tại, Thủ tướng Boris Johnson đã được rời khỏi bộ phận chăm sóc đặc biệt và tình hình sức khoẻ ổn định.

Iran cho đến nay vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc, với 66.220 ca nhiễm và 4.110 trường hợp tử vong. Tổng thống Hassan Rouhani mới đây cảnh báo dịch bệnh có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là đến cuối năm. Tuy nhiên, do nền kinh tế chịu nhiều tổn thất từ dịch bệnh và lệnh trừng phạt của Mỹ, chính phủ nước này đã cho phép một số lĩnh vực hoạt động trở lại từ ngày 11/4.

Tại Đông Nam Á, Malaysia là “tâm dịch” của khu vực với 4.228 ca nhiễm và 67 trường hợp tử vong. Indonesia là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực, với 280 người chết trong tổng số 3.293 ca nhiễm. Singapore đang đối diện với làn sóng bùng phát thứ 2, ghi nhận thêm 287 người nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 1.910, nhưng số người tử vong vẫn là 6 trong nhiều ngày qua.

Theo: Trí Thức Trẻ