Tính đến ngày 26/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới là 468.354, với 21.181 trường hợp tử vong và 113.812 người đã hồi phục. Cho đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng và lây lan đến 198 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Xem thêm:
- “Cả nước đang chung tay chống dịch, hãy cho chúng tôi ra tuyến đầu…
- Số ca Covid-19 lên 148, Bộ Y tế khuyến cáo ‘không ra đường’
Tại Italy, quốc gia này ghi nhận thêm 5.210 ca nhiễm mới trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 74.386, thêm 683 người chết, theo đó tổng số ca tử vong hiện là 7.503. Hiện tại, khoảng gần 4.000 người bệnh vẫn đang được điều trị tại các trung tâm chăm sóc đặc biệt khi bệnh viện tại nước này đã quá tải. Italy vẫn là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19.
Tây Ban Nha ngày hôm qua ghi nhận số ca tử vong tăng thêm 656 người, hiện tại tổng số người chết là 3.647 – cao hơn so với Trung Quốc. Ngày hôm qua, nước này cũng có thêm 7.457 trường hợp dương tính với Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 49.525. Số ca tử vong ở Tây Nha tăng vọt sau khi quốc gia này “bước” vào 11 ngày phong toả và áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Quốc gia này cũng phải chứng kiến tình trạng bệnh viện và các dịch vụ tang lễ quá tải khi số bệnh nhân tăng lên quá nhanh.
Số ca nhiễm mới ở Đức và Pháp lần lượt là 4.332 và 2.929, đưa tổng số ca ở 2 nước lên 37.323 và 25.233, trong đó ghi nhận 206 và 1.331 trường hợp tử vong. Số ca ở Thuỵ Sĩ cũng tăng 1.020 lên 10.897, với 153 người chết, tăng 31 trường hợp so với ngày hôm trước.
Anh ngày hôm qua cũng có thêm 1.425 trường hợp dương tính với Covid-19, theo đó số ca ở nước này tăng lên 9.529 và thêm 31 người tử vong lên 153 trường hợp. Thủ tướng Boris Johnson cho biết ông đang cân nhắc về các hành động trục lợi bất hợp pháp từ dịch bệnh, sau khi nhiều thông tin cho thấy 1 số công ty đã tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn thứ 3 thế giới, tiếp tục ghi nhận hơn 10.000 trường hợp mới, đưa tổng số ca lên 65.652, với 151 trường hợp tử vong mới, theo đó tổng số người chết là 931. Theo sở y tế New York – tâm dịch của Mỹ, 95% trong số gần 200 ca tử vong ở thành phố này đều có những vấn đề khác về sức khoẻ, dù gần 1 nửa số đó ở độ tuổi dưới 75.
Iran là ổ dịch lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc, ghi nhận 27.017 ca nhiễm và 2.077 trường hợp tử vong. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng người dân vẫn không tuân thủ những quy định hạn chế đi lại của chính phủ, do đó giới chức nước này chuẩn bị ban hành lệnh cấm di chuyển giữa các thành phố, nhằm hạn chế tình trạng lây lan cộng đồng.
Malaysia hiện là tâm dịch của Đông Nam Á với 1.796 ca nhiễm và 20 ca tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ người chết do Covid-19 cao nhất ở khu vực này là Indonesia, với 58 trường hợp tử vong trong tổng cộng 790 người nhiễm, tương đương 7,3%.
Giám đốc WHO – Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết thế giới đã bỏ lỡ “cửa sổ” cơ hội để chống lại Covid-19 và nên đưa ra nhiều động thái mạnh mẽ hơn từ 1 hoặc 2 tháng trước. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, ông cho biết biện pháp phong toả đã tạo ra “cửa sổ” cơ hội thứ 2 mà chúng ta không nên lãng phí, những quốc gia đang phong toả nên tận dụng cơ hội này để chống lại dịch bệnh.
Theo: toquoc.vn