Với kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan nhiều năm, anh Hùng đã nghiên cứu và tìm hiểu cách chăm sóc giống hoa này sao cho đạt hiệu quả nhất. Dưới đây là chia sẻ của anh khi bón phân cho hoa lan đặc biệt là dòng lan đột biến có giá trị kinh tế cao.
Vì sao phải bón phân cho hoa lan?
Theo nghệ nhân hoa lan Phạm Nhật Hùng thì hoa lan, đặc biệt là dòng lan đột biến các bạn cần phải chăm sóc cực kì cẩn thận cũng như tìm hiểu thật kĩ các loại phần bón để cây có thể hấp thụ và phát triển một cách bình thường.
Người chơi lan cần hiểu rõ lúc nào nên bón lúc nào không. Lúc trước khi mới bắt đầu chơi do không tìm hiểu kỹ cũng như không ai chỉ bảo, anh Hùng đã bón nhiều phân đạm khiến các cây lan bị chết xót. Từ đó về sau anh Hùng đã rút kinh nghiệm cho bản thân mình: “Bón phân gì cũng có đợt, có cữ, có thời gian thay đổi khẩu vị thì cây lan nó mới hấp thụ đủ dinh dưỡng để sống tươi tốt khỏe mạnh cho mình ngắm”.
Theo anh Hùng việc bón phân phụ thuộc vào tính mùa vụ. Với phương pháp này anh đã áp dụng cho các loại lan trong vườn của mình như hoa lan phi điệp, hạc vỹ, trầm… Các loại đơn thân như đai châu, quế hoặc địa lan như kiếm tỷ lệ phân có thể cao hơn 1 chút để giúp cây hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng.
Nên bón phân cho hoa lan như thế nào là hợp lý?
Việc bón phân cho hoa lan tùy thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khí hậu, đất trồng, tình trạng cây, các loại phân bón…Thông thường bạn chỉ nên bón một tuần một lần trong suốt mùa xuân và mùa hè. Còn đối với mùa thu và đông thì nên bón 2 lần 1 tuần bởi lúc này hoa lan sẽ phát triển chậm hơn bình thường do thời tiết lạnh. Với anh Hùng việc bón phân cho hoa lan đúng cách là điều cần thiết, nếu bạn không để ý kĩ tình trạng của cây mà cứ bón phân theo cảm tính thì lan sẽ rất dễ bị chết do hấp thụ quá nhiều chất dinh dưỡng.
Theo kinh nghiệm của anh, với nhũng người mới bắt đầu trồng và chơi lan thì chỉ cần bón một nửa liều lượng được ghi trên bao bì. Suốt những năm tháng gắn bó với vườn lan, anh hiểu rằng chăm lan đôi khi còn vất vả hơn cả chăm một đứa trẻ bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến cây bị chết, gây tổn thất hàng trăm triệu đồng.
“Thời điểm thích hợp nhất để bón phân là vào buổi sáng, cây sẽ có thêm thời gian để quang hợp và hấp thụ dinh dưỡng. Bón vào buổi chiều thì cây không có đủ thời gian để xử lý các chất dinh dưỡng gây lãng phí. Và một điểm cần lưu ý rằng các bạn không nên bón phân vào buổi trưa vì nó có thể gây cháy lá, thậm chí lan sẽ chết xót. Đối với hoa được ghép trên thân cây thì các bạn nên tưới nước trước rồi nửa giờ sau mới nên bón phân, điều này giúp cây hấp thụ phân bón nhanh hơn”, anh Hùng chia sẻ thêm.
Đối với các giống lan xác định chơi hoa, lại có mầm gốc thì anh Hùng khuyên mọi người nên bón phân chì tan chậm 13-11-11 ME rải đều kết hợp với phân tan chậm Đài Loan, với bón lá thì pha 1gr 20-20-20 +TE và 1gr 6-30-30+TE cho 3 lít nước để phun. Cách phun và kết hợp thêm kích rễ như trên và cho cây hấp thụ ánh nắng để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra, các bạn cũng nên sử dùng các loại phân hữu cơ khác nhau để bón cho lan như phân bò, phân gà, phân trùn quế…để cây có thể hấp thụ chất dinh dưỡng một cách hiệu quả nhất.
Ngắm nhìn vườn lan rộng hơn 300m2 phát triển xanh tốt như ngày hôm nay tất cả đều là nhờ bàn tay chăm sóc cẩn thận của anh Hùng suốt nhiều năm qua. Đó chính là thành quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ của anh. Hy vọng vườn lan của anh sẽ ngày càng được mở rộng, giúp phát huy và bảo tồn những giống lan quý hiếm của Việt Nam.
Theo: TCTTT