Khi đã nhàm chán với vị trí hiện tại, bạn cảm thấy mình cần thay đổi công việc mới tốt hơn. Tuy nhiên trong quyết định “nhảy” việc của mình, bạn cũng không nên vội vàng, hấp tấp hay vào các thời điểm nhạy cảm xuất phát từ phía cá nhân bạn và cả phía công ty.
Để không mắc phải sai lầm đáng tiếc, trước khi quyết định nghỉ việc bạn nên cân nhắc thật kỹ tránh 7 thời điểm sau đây.
Bạn chưa hoàn thành công việc được giao
Bạn đang có dự án còn dang dở, hay công việc bạn đang đảm trách nhưng vẫn chưa thực hiện xong thì thời điểm này chưa thích hợp để kiếm việc làm mới. Trước khi muốn nghỉ việc bạn cần làm xong tất cả các việc được giao một cách tốt nhất.
Hãy đảm bảo rằng bạn nghỉ việc không ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung của nhóm hay của công ty. Nếu bạn bỏ dở phần việc của mình chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm và làm việc tùy hứng, đặt cảm xúc, lợi ích bản thân lên trên mà không nghĩ đến công ty và đồng nghiệp.
Bạn đang có một vấn đề/ sự cố/ mâu thuẫn trong công ty chưa giải quyết xong
Giữa bạn và đồng nghiệp, cấp trên hoặc khách hàng của công ty đang có một vấn đề cần giải quyết. Vấn đề đó dù lớn hay nhỏ, hay chỉ là một chút hiểu lầm thì bạn cũng cần ở lại giải quyết ổn thỏa. Sau khi vấn đề được giải quyết xong xuôi, hai bên không còn vướng mắc thì đợi một thời gian bạn mới nên nghỉ việc.
Nghỉ việc lúc mâu thuẫn chưa giải quyết xong người thiệt thòi chính là bạn. Sự việc dù đúng hay sai bạn cũng vô tình trở thành “tội đồ” hoặc bạn dễ bị hiểu là trốn tránh. Điều này ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của bạn. Ngoài ra, có thể nó sẽ để lại một “vệt đen” trong quá trình xin việc về sau của bạn.
Bạn chưa tìm được công việc mới như dự định
Ngoại trừ trường hợp bạn muốn dành một thời gian khá dài để nghỉ ngơi hoặc phải giải quyết công việc cá nhân còn lại khi chưa tìm được công việc như mong muốn tốt nhất bạn chưa nên thay đổi công việc. “Nhảy” việc khi chưa tìm được công việc tốt hơn sẽ dễ dẫn đến tình trạng trì hoãn thời gian làm việc, thậm chí thất nghiệp.
Khi bạn chuẩn bị có bước ngoặc quan trọng
Nếu như bạn chuẩn bị có một sự kiện nào đó cần dành thời gian để lo liệu thì không nên “nhảy” việc. Chẳng hạn như bạn sắp kết hôn, bạn sắp mang thai, sinh con (nữ giới…) bởi vì những sự kiện trên chiếm thời gian và tâm sức của bạn. Trong khi công việc mới sẽ đòi hỏi nhiều hơn sự thích ứng và tập trung. Do đó thời điểm này bạn cũng không nên “nhảy” việc vì sẽ làm cuộc sống bạn xáo trộn thêm.
Khi công ty chuẩn bị tái tổ chức cơ cấu nhân sự
Rất nhiều người cảm thấy lo lắng và bất ổn khi nghe thông tin công ty sắp tới sẽ tái cơ cấu nhân sự. Với một người yếu kém và thiếu tự tin thì lo lắng nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự là điều đương nhiên. Tuy nhiên nếu bạn thực sự có năng lực thì không nên nghĩ đến điều tiêu cực. Chỉ nên thay đổi công việc khi có quyết định cuối cùng là công ty không giữ bạn lại, hoặc sau khi bạn đã trao đổi trực tiếp về tình hình của mình trong thời gian sắp tới với cấp cao hơn.
Công ty vừa gặp một biến cố
Khi công ty vừa gặp một biến cố, sự cố bạn không nên hấp tấp nghỉ việc để sang làm công ty khác. Nếu bạn là một nhân viên chính thức của công ty thì tốt hơn là cùng đồng hành với đồng nghiệp, hỗ trợ quản lí của mình vượt qua khó khăn. Rời bỏ ngay khi công ty rơi vào khủng hoảng chứng tỏ bạn không phải là kiểu nhân viên trung thành và muốn cống hiến như lúc cam kết ban đầu ở vòng phỏng vấn.
Gần cuối năm
Gần cuối năm không phải là thời điểm thích hợp để thay đổi công việc. Dù có nhiều ý kiến cho rằng cuối năm nhu cầu và khối lượng công việc nhiều nên các doanh nghiệp cần lực lượng lớn nhân viên để hoàn thành kịp thời. Thực tế, đó chỉ là những công việc thời vụ. Với những công việc mang tính chất cố định lâu dài thì việc tuyển dụng nhân sự hiếm xảy ra. Thường công ty sẽ tập trung nguồn lực làm việc để đạt năng suất cao hoàn thành kế hoạch dự kiến thay vì mất thời gian tìm kiếm nhân sự cuối năm.
Thay đổi công việc là quyết định của riêng bạn, tuy nhiên chỉ nên quyết định khi hợp lí về cả thời gian, thời điểm. Nếu không có sự suy nghĩ thấu đáo trước khi “nhảy” việc, bạn dễ phạm sai lầm đó là đánh mất một công việc tốt, lãng phí thời gian tìm kiếm việc mới hoặc ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Với một số gợi ý trong bài viết, hy vọng giúp bạn nhìn nhận được thời điểm nào nên tránh “nhảy” việc để đưa ra quyết định đúng nhất cho mình.
Đặng Hảo