Hà Nội: Hàng loạt cửa hàng IFU đóng cửa sau nghi vấn thay nhãn mác Trung Quốc

Theo ghi nhận của PV vào tối 25/11, tức sau 3 tuần lực lượng chức năng phát hiện lô hàng Trung Quốc bị bóc nhãn mác để dán thương hiệu IFU vào, hầu hết các cửa hàng IFU đều đóng cửa im ỉm.

Cụ thể; tại 2 cửa hàng trên phố Chùa Bộc, và 1 cửa hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch đều có một tờ giấy thông báo đến chủ nhà yêu cầu nộp tiền nước.
Cửa hàng IFU trên phố Chùa Bộc đóng cửa nhiều ngày nay, bên ngoài có tờ thông báo yêu cầu nộp tiền nước
Trong khi các “đồng nghiệp” tưng bừng bán hàng thi IFU đóng cửa
Tại một trong số cửa hàng trên phố Chùa Bộc, người đàn ông là nhân viên bảo vệ cho cửa hàng bên cạnh nói: “Từ gần 1 tháng nay tôi thấy đóng cửa, không có người ra vào. Mấy ngày đầu thì có nhân viên chuyển hàng đi đâu đó, thật sự không biết lý do tại sao”, người này nói.

Còn tại một cửa hàng khác trên cùng tuyến phố, người dân bán hàng ở khu vực thông tin: “Nhà này cho thuê nhưng chủ cửa hàng lâu rồi không đến, rất có thể giải nghệ vì tiền thuê nhà mắc lắm. Từ hôm có quản lý thị trường phát hiện hàng ở bên Long Biên bị thay tem nhãn thì họ liền đóng cửa và chuyển hàng đi nơi khác”.

Môt cửa hàng khác trên phố Chùa Bộc đã được di chuyển toàn bộ số hàng
Thông báo yêu cầu chủ nhà nộp tiền nước dù không nhiều
Cũng có một thông báo yêu cầu chủ nhà nộp tiền nước

Tương tự, cửa hàng tại Phạm Ngọc Thạch cũng đóng kín, thấy PV đến gần, một người bán hàng gần đó chạy đến thông báo: “Tôi thấy chủ cửa hàng tâm sự là nghỉ vài hôm, vì vừa bị bên thuế “soi” và dính phải vụ hàng Trung Quốc”.

Hàng ngàn sản phẩm bị bóc tem nhãn nhà sản xuất và thay vào đó là chiếc tem này

Trao đổi với PV, một trong số chủ nhà cho thuê cửa hàng nói trên cho hay, do cho thuê cả nhà “chìa khóa trao tay” nên việc trả tiền điện nước là do bên thuê phải lo.

“Nhà vẫn mang tên tôi và cho thuê toàn bộ, điện nước họ sử dụng bao nhiêu thì họ phải trả. Do chưa đến hạn trả nhà nên việc này vẫn do bên thuê, chúng tôi chưa nhận được thông báo trả nhà hay họ tiếp tục nên không bận tâm lắm”, một trong số chủ nhà thông tin.

Trong một diễn biến liên quan đến sản phẩm bị lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra phát hiện không rõ nguồn gốc, đến thời điểm hiện tại các cửa hàng thời trang thuộc thương hiệu SEVEN.AM vẫn đóng cửa cùng tấm biển thông báo “Tạm dừng để bảo dưỡng, sửa chữa”.

Vẫn đang xác minh chủ sở hữu

Liên quan đến vụ việc Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện cơ sở may mặc ở Thạch Bàn, Long Biên cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và thay bằng nhãn NEM, IFU trên sản phẩm quần áo, cơ quan chức năng vẫn đang xác minh.

Một đại diện cơ quan QLTT cho biết, đơn vị đã gửi văn bản đến Cục Sở hữu trí tuệ để xác minh, phải tìm xem ai là chủ sở hữu nhưng vẫn chưa có văn bản trả lời.

Seven.Am một thương hiệu nổi tiếng cũng đóng cửa

Còn, đối với hãng thời trang NEM, quản lý thị trường cho biết vụ việc đang tiến hành điều tra nên không thể để lộ thông tin.

Seven.Am trên đường Kim Đồng, quận Hoàng Mai cũng đóng cửa từ nhiều ngày nay
Các cửa hàng của Seven.Am đều có bảng thông báo có nội dung giống nhau

Trước đó, chiều 4/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Đội QLTT số 17) kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn NEM, IFU trên các sản phẩm quần áo.

Cụ thể hàng hóa gồm: 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 04 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Theo: Helino