Liveshow Hoài Thanh: Biến sân khấu chầu văn thành thánh đường giao hưởng

Hoài Thanh – một nghệ sĩ hát chầu văn độc đáo nhất lần đầu tiên đã đưa nghi thức thờ mẫu trong các giá đồng thành những ca khúc được trình diễn trên sân khấu liveshow mà không bị nhàm chán hay nhuốm màu mê tín.

Đêm liveshow của nghệ sĩ Hoài Thanh được diễn ra với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ hát chầu văn nổi tiếng như NSƯT LươngTrọng Quỳnh, nghệ nhân Bá Linh, nghệ nhân dân gian Thanh Long, và ca nương Đào Thu Hằng….

Trong đêm nhạc chầu văn của nghệ sĩ Hoài Thanh được diễn ra tại sân khấu của Trung tâm nghệ thuật tỉnh Hà Nam vào tối 3/10 đã một lần nữa làm sống dậy toàn bộ các nghi thức được tôn vinh trong đạo mẫu. Ngay khi mở đầu chương trình, khán giả đã được phủ lên một màu sắc tươi mới nhưng cũng đậm đà bản sắc dân tộc thông qua phần biểu diễn ở điển tích Khai Từ Huyền Tích An Nam do chính nghệ sĩ Hoài Thanh mở màn. Khán giả chìm đắm trong những làn điệu chầu văn đậm đà bản sắc dân tộc với đầy đủ  niêm luật, tinh túy và lề lối của bậc nghệ nhân hát văn nổi tiếng.

Nếu như khán giả luôn tâm niệm rằng đêm nhạc chầu văn thông thường sẽ phải đâò sâu vào các thánh tích, các nghi lễ của giá hầu thì ở liveshow của Hoài Thanh trong đêm diễn “Văn ca từ tâm” khán giả đã được thỏa mãn trong các làn điệu hát văn được tái hiện một cách sinh động cùng các màn diễn xướng tinh tế.

Từng tiết mục của nghệ sĩ Hoài Thanh biểu diễn như: Quan đệ ngũ, Chầu bé Bắc Lệ, Quan Hoàng Mười hay Cô bé thượng ngàn… được kể một cách xâu chuỗi cùng với điệu hát luyến láy trong trẻo của người nghệ sĩ như đưa khán giả về cõi như mơ, như thực. Với mỗi một huyền tích của những vị anh hùng đều mang ý nghĩa hộ quốc, an dân.

Điều đáng chú ý nhất chính là người Tổng đạo diễn Trần Vĩnh Thụy  – linh hồn của sân khấu đã sắp xếp từng tiết mục đúng theo nghi lễ hầu thánh của các thanh đồng mà không làm mất đi giá trị đích thực của đêm diễn. Với mỗi một loại hình là một tinh hoa nghệ thuật, mang yếu tố thời đại, thế hệ sau tiếp nối những giá trị tinh hoa của thế hệ trước và đưa những yếu tố phù hợp của thời đại đó để văn hoá, nghệ thuật mãi trường tồn.

Chia sẻ ngay trên sân khấu khi bắt đầu thể hiện từng giá chầu của mình thông qua các tiết mục đặc biệt, Hoài Thanh cho biết anh chỉ là một cung văn trẻ trẻ trong làng hát văn, từ sự yêu thích, đam mê mà tìm hiểu, học hỏi sau đó trở thành cung văn được nhiều đệ tử của tín ngưỡng thờ Mẫu yêu quý, nhưng không dừng lại chỉ là một cung văn hát trong các vấn hầu nơi cửa Thánh, Hoài Thanh còn mong muốn truyền tải, giới thiệu những làn điệu hát văn đặc sắc tới cộng đồng, góp phần vào việc bảo tồn và lưu giữ di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc.

Hoài Thanh chân chất là thế, nhưng anh cũng không quá tham lam khi muốn trưng hết những giá hầu lên sân khấu mà chỉ lựa chọn những tiết mục đặc biệt. Xen kẽ đó là những câu chuyện thánh tích là những bài hát xẩm có có giai điệu rất gần với lối hát văn Nam Định. Ở đó, không chỉ có hát xẩm xoan mà cả hát xẩm chợ, hát xẩm tàu điện… Khán giả không chỉ được gặp gỡ những nghệ nhân kì cựu như nghệ nhân Bá Linh mà còn được gặp gỡ với nghệ sĩ Thanh Long, Trọng Quỳnh thông qua các tiết mục chầu quan Hoàng Bơ hay đơn giản chỉ là những bài hát về công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ.

Nếu nhắc tới người Tổng đạo diễn Trần Vĩnh Thụy là linh hồn của đêm nhạc thì người chủ biên âm nhạc là nghệ sĩ Quốc Việt đã thật sự biến sân khấu chầu văn, hầu đồng thành một sân khấu biểu diễn nghệ thuật độc đáo. Qua các tiết mục mà Hoài Thanh biểu diễn, người nhạc trưởng Quốc Việt đã cách điệu sân khấu, tiếp biến các nền văn hóa âm nhạc thành một giàn nhạc giao hưởng đầy lý thú. Khi Hoài Thanh lần đầu đưa chầu văn lên sân khấu liveshow thì Quốc Việt chính là người biên tập âm nhạc lần đầu tiên đưa chầu văn có người điều khiển giàn nhạc. Biến toàn bộ sân khấu chầu văn, hầu đồng thành buổi biểu diễn của các thanh âm như bộ gõ, thanh âm… trở thành giàn nhạc giao hưởng trong chầu văn. Đây chính là cái tài tình của người nghệ sĩ. Đưa một sân khấu huyền bí, đầy tính tâm linh trở thành nơi biểu diễn nghệ thuật đầy mới mẻ. Có lẽ – đây cũng là một phần thu hút nhất trong đêm diễn của Hoài Thanh khiến khán giả ngồi đến những phút cuối cùng để thăng hoa cùng các nghệ sĩ.

Chia sẻ với phóng viên về cách bài trí sân khấu cũng như cách biến một đêm nhạc chầu văn thành một đêm nhạc nghệ thuật như một giàn nhạc giao hưởng đầy sang trọng nhưng cũng hết sức lý thú, Tổng đạo diễn Trần Vĩnh Thụy cho biết bản thân anh là một người yêu mến nền âm nhạc dân tộc, tuy nhiên để đưa một đêm nhạc chầu văn lên sân khấu mà không bị nhàm chán, không bị “đóng đinh” bởi ý nghĩ thông thường thì khán giả sẽ rất mau chán. “Điều quan trọng nhất chúng tôi đã “chế biến” những ca khúc, giai điệu của chầu văn thành một tiết mục âm nhạc mà ở đó khán giả sẽ được thưởng thức những âm thanh mới mẻ, những phần biên đạo đầy màu sắc chứ không nhuốm màu ma mị như trong những giá chầu chúng ta vẫn thấy ở các đền, chùa. Khi đưa chầu văn lên sân khấu đã giải xong một bài toán, nhưng bài toán khó nhất là làm sao biến sân khấu chầu văn thành một thánh đường mà ở đó, người nhạc trưởng là trung tâm để các nghệ sĩ hát, múa hay giàn nhạc trở thành những điểm mấu chốt không thể thiếu. Chúng tôi là một thể thống nhất và ở Vĩnh Thụy thì luôn cho rằng phải tạo nên những cái khác biệt trên sân khấu mới tạo nên sự khác biệt của người làm nghề”.

Bên cạnh đấy, Tổng đạo diễn Trần Vĩnh Thụy cũng cho biết bản thân anh luôn suy nghĩ chầu văn hay hình thức hầu đồng trên sân khấu bên cạnh mặt tích cực là giúp giới thiệu những nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ đạo Mẫu, cũng gây ra những ý kiến lo lắng khi cho rằng nghi lễ này sẽ phần nào làm mất đi tính trang nghiêm và chỉ nên có ở những nơi tôn nghiêm như đền, phủ. Ngoài ra, nếu biểu diễn không đúng, trình thức không chính xác, sẽ khiến khán giả hiểu sai về nghi lễ. Chính vì thế trong đêm nhạc của nghệ sĩ Hoài Thanh, người thuyền trưởng tài ba này đã đưa những giá chầu mang tính trình diễn để giới thiệu một hình thái tâm linh của Việt Nam chứ không mang tính chất truyền bá.