Bộ Y tế tối 7/5 công bố một nữ nhân viên y tế 35 tuổi công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, An Giang, đã tử vong sau tiêm vaccine Covid-19.
Theo đó, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế An Giang kết luận nguyên nhân dẫn đến tử vong là “sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19”.
Đây là ca tử vong đầu tiên sau tiêm vaccine Covid-19, tại Việt Nam.
Theo bác sĩ Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, nữ nhân viên y tế này đã tiêm vaccine Covid-19 sáng 6/5 tại điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu. Trước khi tiêm, cô đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm.
Sau khi tiêm, cô có phản ứng sốc, được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý.
Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang. Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân tử vong ngày 7/5.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình, người thân của nữ nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch tỉnh An Giang.
Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 do hãng AstraZeneca sản xuất, từ ngày 8/3. Đến nay, tổng số người được tiêm là 747.827 người tại 57 tỉnh thành phố, đạt khoảng 75% kế hoạch. Người được tiêm thuộc đối tượng ưu tiên, là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội.
Bộ trưởng Long ngày 6/5 cho biết đánh giá trên 600.000 người đã tiêm vaccine Covid-19, 16% có phản ứng thông thường sau tiêm. Những phản ứng này mất đi sau 24 giờ tiêm. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nước, theo Bộ trưởng. Một vài trường hợp có phản ứng nặng hơn đã được các bác sĩ xử lý ổn định.
Đến nay Việt Nam đã hai đợt tiếp nhận vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Đợt đầu vào tháng 2, nhận 117.600 liều cung cấp thông qua hợp đồng do Công ty VNVC mua. Đợt thứ hai vào cuối tháng 3 với hơn 800.000 liều do cơ chế Covax cung cấp. Đây là cơ chế do Liên Hợp Quốc thành lập nhằm đảm bảo công bằng vaccine cho các nước nghèo.
Theo kế hoạch ngày 10/5 Covax sẽ cung cấp thêm 1,6 triệu liều vaccine Covid-19. Số vaccine này sẽ tiếp tục tiêm cho các đối tượng ưu tiên.
Vaccine AstraZeneca đang được sử dụng tại hàng chục quốc gia. Song nhiều nước đã đề ra hạn chế độ tuổi của người dùng. Ngày 7/5, Anh ban hành hướng dẫn mới, cho biết người dưới 40 tuổi sẽ được tiêm loại vaccine Covid-19 khác thay vì vaccine của AstraZeneca. Theo phân tích từ cơ quan quản lý, tỷ lệ đông máu hiếm gặp nói chung sau tiêm vaccine AstraZeneca là khoảng 1/100.000 người. Tỷ lệ này tăng lên khoảng 1/60.000 người ở độ tuổi 30. Tỷ lệ tử vong ở người sau tiêm vaccine nói chung là khoảng 2 phần triệu, tỷ lệ ở độ tuổi từ 30 đến 39 là 4,5 phần triệu.
Philippines đình chỉ sử dụng vaccine này cho người dưới 60 tuổi. Australia khuyến cáo người dưới 50 tuổi nên lựa chọn vaccine của Pfizer. Italy, Pháp, Hà Lan Đức và nhiều nước trong khối Liên minh châu Âu đề xuất độ tuổi tối thiểu tiêm vaccine AstraZeneca.
Theo: Vnexpress