Nên nói những gì về gap year trong buổi phỏng vấn xin việc làm?

Gap year là quãng thời gian không tham gia vào các công việc chuyên môn mà để trải nghiệm, nâng cao nhận thức thực tế, nghề nghiệp và cá nhân của một người. 

 Trở về sau gap year và muốn tìm kiếm công việc, bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy sự phát triển của bản thân một cách toàn diện thông qua buổi phỏng vấn xin việc làm. Đây là cơ hội quan trọng để bạn giúp nhà tuyển dụng có ấn tượng tích cực về mình từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả.

Vậy trong buổi phỏng vấn, bạn nên nói gì về thời gian gap year? Dưới đây là gợi ý dành cho bạn.

Lí do bạn thực hiện gap year

Có rất nhiều lý do để bạn quyết định thực hiện một cuộc gap year. Điều cần lưu ý ở đây là bạn nên thành thật với nhà tuyển dụng nhưng nên tránh những nhận định tiêu cực trong quá trình phỏng vấn xin việc làm. Nếu bạn là người chủ động thực hiện gap year, hãy mạnh dạn trình bày về nhu cầu khám phá bản thân để thấu hiểu môi trường xung quanh cũng như trau dồi những điều mới mẻ trước khi chính thức làm việc.

Hoặc trong trường hợp bạn rơi vào trạng thái bị động do cắt giảm nhân sự, sa thải thì hãy chia sẻ đến kế hoạch cơ cấu nhân sự của công ty cũ đã làm vị trí của bạn bị thay thế hoặc những định hướng hiện tại của bạn và công ty kia đã không còn phù hợp nên quyết định sẽ tạm dừng một thời gian trước khi tìm kiếm công việc mới.

Kỹ năng bạn đã đạt được

Điều quyết định sự thành công của thời gian khám phá, trải nghiệm đó là những kỹ năng mà bạn tích lũy và đạt được. Bạn cần cho nhà tuyển dụng biết bạn đã phát triển bản thân và nâng cao giá trị thông qua những kỹ năng nào, có thể liên quan đến nghệ thuật – sáng tạo hoặc những khóa đào tạo chuyên sâu về ngành nghề, lĩnh vực hiện tại mà bạn đang quan tâm hay không.

Điều này thể hiện sự đầu tư của bạn trong quá trình dành thời gian gap year khi đã tập trung vào việc tìm kiếm thành tựu thay vì những hoạt động tận hưởng thụ động khác.

Kinh nghiệm quý giá

Bên cạnh những kỹ năng phục vụ cụ thể cho một ngành nghề nào đó thì bạn cũng nên quan tâm đến những trải nghiệm có giá trị mà bản thân đã thu được trong thời gian gap year. Khi tham gia vào những hoạt động cộng đồng, bạn sẽ có cơ hội rèn luyện tinh thần trách nhiệm, trải nghiệm và giao tiếp tốt hơn.

Đồng thời nếu đó là quá trình trải nghiệm ở các quốc gia khác thì hiểu biết văn hóa cũng sẽ là một ưu điểm mà bạn có thể chia sẻ cho nhà tuyển dụng. Đây đều là những trải nghiệm thực tế mang lại hiệu quả cho việc nâng tính tương tác xã hội, hoàn thiện bản thân để từ đó ứng dụng vào công việc một cách phù hợp.

Kế hoạch sau gap year

Nếu trong hồ sơ xin việc của bạn có đề cập đến thời gian gap year, nhà tuyển dụng thường sẽ có một nỗi lo rằng bạn không nhiệt tình với một công việc lâu dài và có thể bắt đầu đợt gap year khác. Vì thế lúc này bạn cần trình bày rõ ràng về kế hoạch dài hạn của bản thân sau khi quay lại với công việc, đặc biệt là với doanh nghiệp hiện tại.

Bí quyết để giúp bạn có được sự tin tưởng của nhà tuyển dụng là hãy lồng ghép những định hướng phát triển sự nghiệp của cá nhân sao cho phù hợp với mục tiêu và mong đợi của doanh nghệp. Điều này sẽ giúp bạn thể hiện được sự nghiêm túc và chuyên nghiệp trong quyết định ứng tuyển vào vị trí công việc này.

Trình bày ngắn gọn

Một lỗi sai mà nhiều ứng viên hay gặp phải đó là kể quá nhiều về thời gian không làm việc của bản thân nhằm mục đích tạo ấn tượng hoặc để tìm kiếm sự đồng cảm từ nhà tuyển dụng trong trường hợp bạn gặp phải những khó khăn.

Lời khuyên là hãy nên chia sẻ ngắn gọn và cô đọng những thông tin thực sự cần thiết phục vụ cho quá trình đánh giá khách quan về mức độ phù hợp của bạn cho công việc. Nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng ghi nhớ những thông tin ấy khi bạn biết cách thể hiện đơn giản và dễ hiểu thay vì quá dài dòng, lan man trong buổi phỏng vấn xin việc làm.

Tiến Huy