Người đàn ông ruột để ngoài da tức lên là đánh vợ mà chẳng nghĩ gì đến thứ con mình phải gánh chịu mai này.
Xem thêm:
- Nữ nhân viên bị Đại úy công an chửi mắng ở sân bay Tân…
- Vừa bị tuyên 18 tháng tù về tội dâm ô, Nguyễn Hữu Linh đã…
Cái clip đang lan truyền trên mạng xã hội cảnh người chồng đánh vợ tới tấp khi vợ đang bế một đứa con nhỏ trên tay và trước sự chứng kiến của một đứa con trai lớn ngồi gần đấy khiến tôi cũng như mọi người phẫn nộ. Giận dữ trước nạn bạo hành gia đình chỉ là một, phẫn nộ trước việc đánh vợ trước mặt con thì là mười. Đứa trẻ kia sẽ học được điều gì từ một ông bố lỗi như thế?
Tự nhiên thì đứa trẻ sẽ xót mẹ. Nó có thể không giận bố vì đó là bố ruột của nó. Nhưng tệ đi thì đứa trẻ sẽ lớn lên với suy nghĩ mặc định trong đầu: Đàn ông được quyền đánh phụ nữ. Nó sẽ đánh phụ nữ nếu như người phụ nữ đó làm nó giận. Bất kể nó đang yêu người phụ nữ đó hay không.
Khi ở nhà, cảnh bố đánh mẹ đã trở thành nghiễm nhiên thì nghiễm nhiên ấy sẽ được lặp lại. Bao nhiêu ông chồng đánh vợ hôm nay bởi hôm qua, khi còn là đứa trẻ, bố mẹ của ông chồng đó đã từng có cảnh huống tương tự thế?
Giáo dục nhiều khi chính là sự lặp lại. Nếu đó là một đứa con gái thì mọi thứ còn tệ hơn: Đứa trẻ gái đó sẽ mặc định cho rằng bị đánh là chuyện nghiễm nhiên, chuyện bình thường. Và nó chấp nhận bị đánh, tự nhận về mình lỗi bị đánh là do chính mình sai.
Vậy nên, chuyện chồng đánh vợ trước mặt con là chuyện đáng phẫn nộ vậy. Chỉ là nhiều người đàn ông ruột để ngoài da tức lên là đánh vợ mà chẳng nghĩ gì đến thứ con mình phải gánh chịu mai này. Chỉ là nhiều phụ nữ chấp thuận để chồng đánh mà chẳng quan tâm đến sự lệch lạc suy nghĩ của chính con mình.
Tôi vẫn cho rằng việc đàn ông đánh vợ đáng phẫn nộ thật nhưng việc những người vợ bị đánh mà vẫn chịu đựng thì cũng vô cùng đáng trách. Một ông chồng lỗi thì còn cố mà tìm cách sửa chữa lại để dùng tiếp chứ một ông bố lỗi thì đừng có cố mà sửa chữa.
Ông chồng đánh vợ khi không có ai ở bên thì việc chấp nhận bị đánh là tuỳ ở người vợ. Người vợ cảm thấy mình tệ hại, mình tầm thường, mình là đồ bỏ đi, đồ giẻ rách thì cứ việc chấp nhận thôi. Luôn có những người phụ nữ tự nhận mình là giẻ rách miễn là được nuôi mà không phải lao động, miễn là đánh xong gã chồng đó vẫn cung phụng tiền bạc nuôi mình là được.
Nhưng khi ông chồng đánh vợ trước mặt bàn dân thiên hạ và đặc biệt là trước cả sự chứng kiến của những đứa con thì người vợ, người mẹ nào vẫn “vui vẻ” chấp nhận thì vô cùng đáng trách.
Vì họ đang tham gia ủng hộ cho việc làm chồng là được quyền đánh vợ bất cứ lúc nào nếu vợ sai.
Vì họ cũng sẽ trở thành “đồng tác giả” cho tác phẩm: Đánh vợ là một chuyện bình thường. Kể cả những người phụ nữ mở mồm ra nói: Vợ kiểu đó mình là chồng mình cũng đánh. Những người phụ nữ kiểu đó buồn thay lại vẫn đang không hiếm.
Một ông chồng lỗi còn có thể sửa vì ông ấy lỗi với vợ này nhưng lấy vợ khác có khi lại thành soái ca hoàn hảo. Mỗi phụ nữ đều có một “kích cỡ”, “khẩu vị chồng” riêng của mình. Nhưng một ông bố lỗi thì điều đó là ảnh hưởng đến không chỉ một người phụ nữ đang làm vợ anh ta mà còn ảnh hưởng đến vợ của con trai anh ta hoặc chồng của con gái anh ta.
Một ông bố lỗi là một gã đàn ông vứt đi. Vì cho dẫu anh ta có là doanh nhân giàu có hay một tri thức uyên bác, một giáo sư đầu ngành hay một thầy giáo dạy giỏi thì đó vẫn là thứ đàn ông mang tính “công cụ”.
Tôi vẫn luôn cho rằng thứ làm nên một nhân cách con người phải được bắt đầu từ việc đối xử với con mình ra sao, đối xử với vợ mình thế nào. Vì con là tinh huyết anh ta tạo ra, vợ là người đầu gối tay ấp với anh ta.
Cùng với cha mẹ anh ta, thầy cô anh ta nhưng cái vòng tròn gần nhất của một người đàn ông trưởng thành vốn bắt đầu từ chính vợ con của anh ta trước nhất. Mà anh ta còn tệ, còn lỗi thì mong gì đó là một đứa con có hiếu hay một con người tử tế ngoài xã hội.
Tôi thật không tin trên đời có ai được gọi là người tử tế nếu như anh ta đối xử với vợ không ra gì và vô trách nhiệm với con cái.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Theo: Helino