Các Youtuber cũng cho biết một vài khách du lịch không đại diện cho toàn thể đất nước; nhiều người Hàn Quốc cảm ơn hành động của Việt Nam và cũng rất yêu thích món bánh mì.
Những ngày cuối tháng 2, hashtag #ApologizetoVietNam (Xin lỗi Việt Nam) được dân tình chia sẻ khá rộng rãi, thậm chí trở thành cụm từ nổi bật trên các mạng xã hôi như Facebook hay Twitter.
Sự phổ biến của cụm từ này được bắt nguồn từ việc 20 du khách Hàn Quốc bị cách ly sau khi bay từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng. Các vị khách này sau đó được chính quyền thành phố Đà Nẵng tiến hành cách ly tại Bệnh viện Phổi nhằm phòng tránh sự lây lan của dịch virus corona.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như tối ngày 25/2, một vài người trong nhóm du khách này liên tục phàn nàn khi nhận lời phỏng vấn ủa kênh YTN News (Hàn Quốc). Họ than phiền việc phải ở từ 2-3 người trong phòng bệnh với cửa bị khóa kín dù họ không bị sốt, chỉ nhận được “vài mẩu bánh mì” buổi sáng và coi bánh mì như một “món ăn tạm bợ”.
Trước sự việc trên, nhiều người Việt Nam đã không khỏi cảm thấy phẫn nộ vì những thông tin sai sự thật kênh YTN News đưa ra. Họ cho rằng chính quyền Đà Nẵng đã xin lỗi vì sự bất tiện do dịch Covid-19, thậm chí điều kiện đãi ngộ dành cho các du khách Hàn Quốc còn tốt hơn so với chính người Việt Nam đang bị cách ly.
Một số người Việt còn vào kênh Youtube của các Youtuber người Hàn, bày tỏ sự phẫn nộ và yêu cầu phía Hàn Quốc có lời xin lỗi chính thức.
Kêt quả là tối 28/2, các YouTuber Hàn Quốc đã đồng loạt đăng tải video xin lỗi về sự việc không hay kể trên, đồng thời kèm hashtag #Apolozietovietnam. Nổi bật nhất là kênh Ông chú Hàn Quốc, một YouTuber người Hàn đang hoạt động tại Việt Nam.
Video của Ông chú Hàn Quốc đã nhận tới gần 2 triệu lượt xem chỉ trong vòng 4 ngày. Trong video, chủ kênh Oh Se Jong (tên tiếng Anh là Johnny Oh) cúi gập đầu xin lỗi Việt Nam, thừa nhận việc cách ly là cần thiết và hành vi chê bai bánh mì Việt Nam đến từ một bộ phận khách Hàn Quốc là không phù hợp.
“20 người Hàn Quốc đến từ Daegu, nơi dịch bệnh đang lan rộng và họ đã được kiểm dịch vì Chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ cuộc sống của người dân. Cho dù họ có bệnh hay không, vì họ đến từ khu vực nguy hiểm nên việc kiểm soát chặt chẽ là đúng”.
“Khi bạn đến Việt Nam, bạn cần phải chấp hành luật lệ ở Việt Nam. Tất nhiên, nếu đây là Hàn Quốc, bibimbap hoặc kim chi cũng sẽ được phục vụ. Nhưng đây là Việt Nam, khi nói đến bánh mì, nó là một món ăn chính của người Việt, nó là một món ăn đặc biệt mà họ rất tự hào. Thật sự sai lầm khi gọi nó là “một mẩu bánh mì”. Nếu chúng tôi phục vụ Bibimbap và kim chi cho người nước ngoài bị cách ly ở Hàn Quốc mà họ nói “họ chỉ cho một miếng salad” thì người Hàn Quốc cũng sẽ buồn. Đó là một tình huống tương tự”.
Một kênh khác là Anh Hong SaiGon cũng cho biết, trong mắt người Hàn, YTN News là kênh tin tức có độ tin cậy rất thấp.
“Hiện nay, ở Hàn Quốc có đến hơn 50 kênh tin tức khác nhau. Thông tin giữa các kênh tin tức này cũng không giống nhau hoàn toàn. Cho nên người Hàn thường xem ít nhất 3 kênh để nắm được thông tin chính xác nhất. Điểm quan trọng nhất chính là người Hàn hoàn toàn không hề tin vào kênh YTN”.
Trong video của kênh Viet Han Couple, do hai vợ chồng Việt-Hàn quản lý, người chồng tiết lộ đã tìm được email của phóng viên viết bản tin về 20 người Hàn cách ly tại Việt Nam, yêu cầu sửa lại thông tin cho chính xác. Dù chưa có kết quả nhưng người chồng cho biết mình đã cố gắng hết sức.
Bên cạnh những nội dung kể trên, đa số các Youtuber Hàn Quốc đều bày tỏ rằng 20 khách du lịch Hàn Quốc không thể đại diện cho Hàn Quốc; rất nhiều người Hàn ủng hộ và cảm ơn những gì Việt Nam đã làm trong thời gian vừa qua. Và người Hàn cũng yêu thích món bánh mì của Việt Nam.
“Có rất nhiều nhà hàng Việt Nam ở Hàn Quốc. Đông đảo người Hàn ăn bánh mì ở đó. Bạn đã bao giờ biết đến Bánh mì Phượng, có rất nhiều người Hàn Quốc xếp hàng. Vậy giải thích thế nào về chuyện này? Bánh mì có giá từ 100.000 đồng – 140.000 đồng ở Hàn Quốc, vì bánh mì xứng đáng được như vậy”, chủ kênh Ông chú Hàn Quốc chia sẻ chân thành.
Theo: Trí Thức Trẻ