Xin mượn lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều để bày tỏ sự phẫn nộ với những “anh hùng bàn phím” buông lời soi mói, giễu cợt những người lính đang giúp dân, chống dịch.
Xem thêm:
- Anh bộ đội hớt hải giao từng túi thực phẩm giữa cái nóng đổ…
- Hồ hởi mở thùng đồ tiếp tế của ba mẹ, chàng trai oà khóc…
Hãy nhìn hai tấm ảnh đang gây niềm xúc động lớn lao trên cộng đồng mạng này: Anh thượng úy công an đang ngồi bệt dưới đất, cặm cụi, chăm chú viết lên mảnh giấy và bấm máy tính trên điện thoại, cũng đặt dưới đất, bên cạnh các phần rau củ quả được chia sẵn. Bức ảnh được cho là ghi lại khoảnh khắc anh lính (xin gọi chung các cán bộ chiến sĩ quân đội, công an bằng danh từ bình dị, thân thương này) ghi chép, tính toán sau khi đi chợ mua thực phẩm giúp người dân đang sống trong vùng dịch COVID-19.
Tấm ảnh chụp vội, cắt cúp vụng về có sức lay động trái tim bởi dáng vẻ mộc mạc của anh lính đang dốc lòng chăm sóc đồng bào mình, làm cả những việc mà chưa chắc anh đã quen như đi chợ, tính giá rau, cà rốt, cải thảo…
Hai tấm ảnh được lan truyền bởi khả năng chạm vào trái tim của nó. Bên cạnh hình ảnh uy nghiêm bồng súng giữ trật tự trị, kiểm soát phòng chống dịch, người lính cũng rất gần gũi thân thương, sẵn sàng làm bất cứ việc gì dân cần.
Và còn nhiều bức ảnh đẹp đẽ, xúc động khác cho thấy vai trò của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an ở vùng dịch phía Nam được đăng tải và lan truyền vài ngày qua. Trong hoàn cảnh cuộc chiến chống dịch đang cực kỳ cam go và căng thẳng, bao người đã mắc bệnh, đã mất đi thân nhân, đã trở nên túng thiếu, thậm chí phải lo ăn từng bữa vì dịch bệnh, mong mỏi ngày trở lại nhịp sống bình thường trước đây, sự hiện diện của người lính đem lại sự vững tâm và niềm tin tưởng. Tình quân dân, quan hệ cá – nước trong thời bình thể hiện rõ nhất vào những lúc này.
Vậy mà không thể hiểu nổi, tại sao vẫn có kẻ cứng lòng đem những anh lính đang đi chợ giúp dân ấy chế giễu. Những kẻ này hoặc soi mói chuyện anh đi chân đất không lịch sự, hoặc bỉ bôi rằng thời đại 4.0 rồi mà còn tính toán, ghi chép theo kiểu thô sơ như thế. Tệ hơn, có kẻ còn dựng clip chế giọng nói ngọng đậm chất địa phương của anh bộ đội đi chợ giúp dân để chia sẻ lên mạng xã hội như một trò vui.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều gọi họ là “những con virus đang viết Facebook”, thật không có cách gọi tên nào chuẩn xác hơn. Thứ virus mang đầy sắc thái kỳ thị và thiếu thiện chí này cũng đáng sợ không kém SARS-CoV-2, bởi nó là virus của tâm hồn. Bất cứ ai có tấm lòng, có xúc cảm và sự nhân văn trong mình đều sẽ không nhìn vào thứ mà họ đang soi mói. Sao không nhìn thấy những người lính đó – đều có gia đình, bố mẹ, vợ con, anh em, người yêu – đã chấp nhận xa những người thân yêu nhất để đi vào vùng dịch, chưa hẹn được ngày về. Sao không nhìn thấy sự dũng cảm và hy sinh của họ khi chấp nhận nguy cơ mình nhiễm bệnh?
Những “con virus viết Facebook” đó tự cho mình thông minh, sắc sảo, trí thức, nhưng lại thiếu khả năng thấu cảm và tình người để nhìn ra vẻ đẹp tận tâm của anh lính vụng về đang tập trung cao độ ghi chép từng mớ rau con cá đó. Có thể mải “cào bàn phím”, họ chưa từng đi chợ hoặc chưa đủ từng trải, lịch duyệt để hiểu rằng, không ít người đàn ông có thể dời non lấp bể, nhưng khi đi chợ hộ mẹ, hộ vợ lại có thể loay hoay đến toát mồ hôi. Chỉ kẻ vô ơn, vô cảm, trái tim lạnh giá mới ngồi săm soi, chế giễu những người đang xả thân vì đồng bào và vì Tổ quốc.
Và còn một điều nữa về vẻ đẹp người lính mà những kẻ chuyên tìm thứ để bỉ bôi trên mạng không thể hiểu: Họ làm bất cứ việc gì mà đất nước đòi hỏi và nhân dân cần, vì thế sẽ có vô số lần đầu tiên ngây ngô vụng về, để rồi trở thành những “siêu nhân” không gì không làm được.
Và việc chống “giặc” COVID-19 cũng vậy. Trong trận đánh cuối cùng vào thành trì của đại dịch, họ sẽ thắng.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy để lại bình luận ở phần bài viết nhé!!
Nguồn: VTC News