Nhằm giảm tải cho lực lượng “đi chợ hộ”, nhiều người dân ở TP.HCM đã nảy ra ý tưởng mua chung nhu yếu phẩm rồi phân chia lại cho nhau.
Những ngày TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, việc mua nhu yếu phẩm đang gặp nhiều trở ngại. Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của từng hộ gia đình, người dân ở nhiều “vùng xanh”, “vùng đỏ” nảy sinh ý tưởng gom đơn mua chung các món hàng rồi chia lại cho nhau.
Gom đơn mua trăm ký thịt cá, rau củ
Gia đình chị Lưu Phương (ngụ phường 10, quận Phú Nhuận) cả tuần qua không rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm vì khu chung cư đang ở thực hiện “mô hình” mua chung. 164 hộ dân lập group trên Zalo, Facebook rồi đề xuất danh sách thực phẩm cần mua chung. Các mặt hàng như thịt cá, rau củ quả, bánh mì, sữa cho trẻ nhỏ được ưu tiên nhất.
Sau đó, đại diện trong chung cư sẽ đứng ra gom đơn hàng rồi đặt mua từ cơ sở phân phối được TP.HCM cho phép vận chuyển. Có khi là mua gần 100kg thịt heo, 100 ổ bánh mì, 100 miếng đậu hũ, lại có khi mua hàng trăm ký rau củ quả. Mỗi một mặt hàng thường do một người đại diện mua giúp, sau khi hàng nhận về thì người này chia lại thành từng túi cho cư dân.
Hàng hoá được đặt tại khu vực sảnh, ai có đơn hàng sẽ lần lượt xuống nhận rồi thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Với những hộ dân trả bằng tiền mặt, người gom hàng yêu cầu phải thực hiện khử khuẩn kỹ càng.
Chị Lưu Phương cho biết, dù lực lượng đi chợ hộ ở phường, xã đang hoạt động khá tốt nhưng người dân sống trong chung cư vẫn chủ động giúp họ giảm tải bằng cách mua chung này.
“Nhiều món hàng cư dân muốn mua mà combo do xã, phường cung cấp không có, mình cũng không thể cứ ngồi chờ hoài vì cán bộ địa phương bận hỗ trợ các khu vực khác. Việc mua chung vừa đảm bảo ai cũng có thực phẩm mà lại giảm bớt áp lực cho phường, xã”, chị Lưu Phương nói.
Cũng giống chị Lưu Phương, chị Khánh Vy (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, xóm trọ nơi chị sống đã bắt đầu thực hiện “mô hình” mua chung. Người dân tự lập nhóm Zalo để lên đơn hàng, sau đó mua số lượng lớn thực phẩm sạch về chia nhau.
“Trái cây và sữa là những thứ được ưu tiên hàng đầu. Nhà nào cũng tranh thủ mua nhiều để dự trữ cho nhiều ngày”, chị Vy nói.
Tuy nhiên, việc giãn cách và thực hiện 5K vẫn được chú trọng. Người dân ở xóm trọ không tiếp xúc với nhau, các túi hàng được đặt ngay ngắn, ai có thịt cá, rau củ trong đơn mua chung sẽ được gọi ra lấy, những người còn lại ở yên trong phòng.
Chia lại thực phẩm không lợi nhuận
Tại chung cư Goldview (quận 4), chị Nguyễn Ngọc Phương Oanh đang bận rộn gom đơn bún, phở, gia vị nấu ăn, bánh mì cho cư dân sống trong khu vực.
Chị Oanh mua số lượng lớn từ doanh nghiệp rồi tự chia lại theo các đơn đã đặt. Giá mua chung không chênh lệch nhiều so với giá gốc, phần tiền dư ra chủ yếu để bù trừ chi phí xăng xe, vận chuyển.
Việc của chị Oanh mỗi ngày là lập danh sách những món cần mua, sau đó thông báo cho dư dân. Chị Oanh chịu trách nhiệm lấy hàng từ các đầu mối là siêu thị hay doanh nghiệp thực phẩm, sau đó công bố giá chia lại hàng trên nhóm Zalo. Các cư dân tự cộng tiền hàng rồi thanh toán cho chị Oanh theo hình thức chuyển khoản. Những đơn mua chung thành công sẽ nhận hàng tại hòm thư của chung cư.
“Hôm qua tôi nhận đến 500 đơn hàng, chia lại thực phẩm cho mọi người từ sáng đến tối vẫn chưa xong. Giá nhập hàng 11.500 đồng/gói bún thì tôi tính tròn 12.000 đồng/gói bún. Chủ yếu hỗ trợ nhau mùa dịch chứ không tính chuyện bán lấy lời”, chị Oanh kể.
Bên cạnh đó, chị Oanh cũng đang giúp cư dân mua chung băng vệ sinh, tã bỉm hay sữa cho trẻ em. “Đây là những mặt hàng không thể đợi siêu thị giao trong thời gian 2 – 3 ngày được”, chị Oanh nói thêm.
Việc mua chung này được Ban quản lý chung cư và lực lượng bảo vệ hỗ trợ kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó mà hơn 1.400 hộ dân sống tại chung cư Goldview yên tâm ở nhà, đồng thời không lo lắng chuyện thiếu nhu yếu phẩm trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội.
Nguồn: VTC News