Sư phụ đi xe hơi, Tôn Ngộ Không làm tạp vụ ở hậu trường ‘Tây du ký’

Hậu trường “Tây du ký” là nơi khán giả thấy được hoàn cảnh vất vả của các diễn viên khi tham gia trong phim. Trong đó, Tôn Ngộ Không cũng trở thành nhân viên hậu kỳ, tạp vụ.

Tây du ký 1986 là bộ phim kinh điển trong ký ức của khán giả khắp châu Á. Tuy nhiên vào năm 1982 khi bộ phim mới khởi quay, cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật của đoàn làm phim còn yếu kém. Với kinh phí chỉ có 6 triệu NDT, đạo diễn Dương Khiết và các nhân viên tổ phim phải tìm nhiều cách để hoàn thành tác phẩm. Ví dụ như quả nhân sâm có hình trẻ con trong tập 9, là do củ đậu và bột màu tạo thành.

Tôn Ngộ Không trong phim có 72 phép biến hóa. Nhưng thực chất để quay những cảnh bay lượn, xoay tròn trên không, đoàn làm phim đã sử dụng cả cần cẩu, thang đỡ… Trong những tập được quay sau năm 1986 mới có phông nền xanh để xử lý kỹ xảo.
Để quay được một cảnh Trư Bát Giới nằm trên cây, đoàn làm phim phải vận dụng mọi nhân viên ở dưới dùng khăn đỡ. Tất cả những cảnh kỹ xảo, bay nhảy trong Tây du ký 1986 đều được thực hiện thủ công, tự chế sau khi nữ đạo diễn Dương Khiết sang Hong Kong học hỏi kinh nghiệm.
Những lúc chưa đến phân đoạn của mình, Tôn Ngộ Không cũng trở thành nhân viên hậu trường. Mặc dù cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng các diễn viên trong đoàn phim vẫn rất vui vẻ. Trong các phóng sự sau này, họ từng chia sẻ về việc thiếu ăn, phải chịu lạnh, nhận lương thấp không đủ mưu sinh. Nhưng các diễn viên đều hi sinh vì vai diễn.
Trong đoàn phim Tây du ký 1986 không hề có phân chia vai vế, diễn viên chính cũng như diễn viên phụ đều lãnh tiền ăn trưa bằng nhau. Vì vậy, Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa cũng phải làm tạp vụ. Thỉnh thoảng, họ có những giây phút nghỉ ngơi, tập tành sử dụng các thiết bị quay phim đắt giá.
7 yêu tinh nhện ác độc trên màn ảnh vui vẻ di chuyển trên chiếc xe lạc hậu là hình ảnh hậu trường dễ thương của Tây du ký.
Theo Nhân dân nhật báo, cảnh Hồng Hài Nhi phun lửa thực chất là diễn viên nhí Triệu Hân Bồi thổi bằng miệng, còn có nhân viên đứng bên cạnh bắn súng tạo lửa.
Nhân vật Bạch Long Mã trong phim là một chú ngựa được đào tạo trong quân đội. Sau đó, chú ngựa được “giải ngũ” trở thành diễn viên.
Theo Sina, phim truyền hình hiện nay được quay nhiều máy nhưng ngày xưa, mấy chục tập của bộ phim Tây du ký 1986 chỉ do duy nhất nhà quay phim Vương Sùng Thu đảm trách. Cùng với vợ – nữ đạo diễn Dương Khiết, một mình ông vác máy ròng rã suốt 6 năm trời, trèo đèo, lội suối, nhiều lần bị tai nạn khi thực hiện những cảnh bay nhảy.
Lúc 2 vợ chồng rời khỏi nhà theo đoàn phim Tây du ký 1986, cô con gái mới 12 tuổi, nhưng khi trở về đã là thiếu nữ 18 nên họ rất trân trọng những năm tháng vất vả để tạo dựng nên một phiên bản Tây du ký kinh điển. Trong hình là cảnh đoàn làm phim liên hoan, các diễn viên chưa kịp xóa hóa trang đã đến trò chuyện cùng nhau.
Các nhân viên tạo khói giả bằng những dụng cụ thô sơ.
Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới loay hoay với chú trăn khổng lồ.
Sư phụ Từ Thiếu Hoa điển trai lái xe.
Từ Thiếu Hoa xoa chiếc bụng giả của Trư Bát Giới trên phim trường Tây du ký 1986.
Theo: Zing.vn