Trong những ngày nắng nóng, nội thành Hà Nội luôn có mức nhiệt cao hơn khu vực ngoại thành xung quanh. Đâu là nguyên nhân và làm thế nào để giảm thiểu tình trạng này?
Do đâu mà nội thành Hà Nội nóng rát như vậy? Vì sao khu vực ngoại thành lại có nhiệt độ thấp hơn? “Thủ phạm” là một hiệu ứng đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa nhiều người hiểu rõ về nó. Đó chính là đảo nhiệt đô thị.
Đảo nhiệt đô thị là gì?
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), đảo nhiệt độ thị (urban heat island) là hiệu ứng khi khu vực phát triển đô thị có nhiệt độ cao hơn khu vực nông thôn xung quanh. Nhiệt độ không khí trung bình hằng năm của một thành phố một triệu dân có thể nóng hơn 1-3 độ C với khu vực xung quanh nó. Vào buổi tối, mức chênh lệch nhiệt có thể cao tới 12 độ C.
Đảo nhiệt đô thị có thể ảnh hưởng đến cộng đồng khi làm tăng nhu cầu sử dụng điện, ô nhiễm không khí, phát thải khí nhà kính và các bệnh liên quan đến nắng nóng.
Vì sao đảo nhiệt đô thị xảy ra?
Nhiệt độ và ánh nắng từ mặt trời chiếu xuống khu vực thành thị và nông thôn là như nhau. Tuy nhiên, hai môi trường này có khả năng hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt khác nhau, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) giải thích.
Tại vùng nông thôn, hầu hết các khu vực được bao phủ bởi thực vật. Những nơi này thường được phủ một màu xanh mướt của cỏ, cây cối và đất nông nghiệp.
Cây lấy nước từ mặt đất qua rễ. Sau đó, cây trữ nước trong thân và lá. Cuối cùng, nước di chuyển đến các lỗ khí ở mặt dưới lá. Tại đây, nước dạng lỏng biến thành hơi và thoát ra ngoài. Quá trình này được mô tả như “máy điều hòa” thiên nhiên.
Thay vì màu xanh của cây cối, tại các thành phố lớn, hình ảnh thường thấy là tòa nhà cao tầng, vỉa hè, đường phố; được làm từ các vật liệu như xi măng, thép, gạch và kính… Hầu hết các vật liệu này có màu tối: đen, nâu hoặc xám. Do đó, chúng hấp thụ nhiệt lượng từ mặt trời và trở nên nóng hơn. Cứ như vậy, nhiệt lượng không thoát ra được mà bị giữ lại.
Vật liệu có màu sáng (trắng) phản chiếu lại ánh sáng mặt trời nên không bị nóng hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng lý thuyết này để góp phần giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (đọc thêm bên dưới).
6 cách để giảm đảo nhiệt đô thị
Dưới đây là một số cách chúng ta có thể làm hằng ngày để giảm đảo nhiệt đô thị ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác.
* Trồng nhiều cây xanh quanh nhà
Đây là cách đầu tiên EPA tư vấn cho người dân. Cây xanh làm hạ nhiệt độ không khí nhờ quá trình thoát hơi nước. Ngoài ra, cây cung câp bóng râm che mát cho bề mặt. Nếu có cây xanh che mát ngôi nhà, bạn có thể giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí. Cây xanh cũng bảo vệ sức khỏe gia đình bằng cách cải thiện chất lượng không khí và hạn chế tiếp xúc với tia UV có hại.
* Trồng cây trên sân thượng
Một khu vườn trên sân thượng hoặc trông cây leo lên mái nhà giúp giảm nhiệt độ bề mặt mái và không khí xung quanh. Mái nhà xanh hoạt động như một lớp cách nhiệt, do đó, giúp không khí trong nhà mát hơn rất nhiều.
* Lắp đặt mái nhà màu sáng
Màu tối hấp thụ nhiều nhiệt từ mặt trời. Nếu mái nhà có màu tối, chúng sẽ hấp thụ nhiệt và trở nên ấm (đôi khi, nóng như thiêu đốt). Vì vậy, để giảm thiểu hiện tượng đảo nhiệt đô thị, ngày càng có nhiều người lắp đặt mái nhà màu sáng. Mái màu sáng có thể phản chiếu ánh sáng tốt hơn tới 50% so với mái nhà màu tối, theo công ty cung cấp giải pháp xây dựng Wavin.
* Sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng
Sử dụng các thiết bị điện một cách hiệu quả để giảm sức ép lên mạng lưới điện trong các đợt nắng nóng, nhờ đó, đảm bảo cung cấp điện cho cộng đồng dân cư. Khi mua thiết bị điện, hãy tìm sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên thay thế các thiết bị cũ bằng các sản phẩm tiết kiệm điện nếu có thể.
* Thông gió
Khi mặt trời lặn và ngoài trời có gió mát, hãy mở cửa sổ và cửa chính để căn nhà được thông thoáng. Giải phóng toàn bộ không khí nóng tích tụ ra ngoài và “mời” luồng khí mát của buổi tối vào nhà. Điều này thực sự giúp giảm nhiệt độ bên trong.
* Giảm sức nóng nhân tạo
Có một cách ít được nhắc đến khi nói về giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Đó là hạn chế sử dụng máy móc và xe cộ.
Tiến sĩ Melissa Hart, chuyên gia về khoa học hệ thống khí hậu tại Đại học New South Wales, Úc, nói trên báo Guardian rằng các phương tiện giao thông và máy móc con người sử dụng hằng ngày tạo ra nhiệt lượng đáng kể. Sức nóng nhân tạo này là điều chúng ta có thể chủ động điều chỉnh hằng ngày.
“Rõ ràng chúng ta không thể giảm dân số nhưng luôn có nhiều cách để chúng ta giảm nhiệt lượng”, Hart phân tích. Hạn chế phương tiện cá nhân như ô tô xe máy, tích cực sử dụng phương tiện công cộng là những điều chúng ta có thể làm để giúp thành phố “hạ nhiệt”, theo tiến sĩ.
Theo: Trí Thức Trẻ