Hơn 11 năm phát sóng trên kênh THVL1, “Thần tài gõ cửa” đã giúp đỡ cho gần 600 nhân vật bị khuyết tật đang gặp khó khăn luôn cố gắng vượt lên nghịch cảnh.
Ý chí tự lực vươn lên
Anh Nguyễn Văn Lâm – một thi sĩ lạc quan, tràn đầy niềm tin yêu đối với cuộc đời (nhân vật của kỳ phát sóng ngày 05/7/2020) là một câu chuyện tiêu biểu cho nghị lực vươn lên đó. Vốn là một sinh viên ưu tú ngành sư phạm, nhưng cách đây hơn 10 năm, một tai nạn giao thông đã vô tình cướp đi tất cả những hoài bão nơi anh.
Anh Lâm nhớ lại: “Tôi bị tai nạn trong đêm đón người nhà lên thăm…. Bị gãy cột sống cổ, khi đó xương đâm vào tủy khiến tôi bị liệt. Lúc đó tôi nghĩ mình sống không bằng chết, tai nạn đó đối với tôi như một cơn ác mộng, kinh khủng lắm…”.
Không đầu hàng trước số phận, anh Lâm đã không ngừng nỗ lực, tiếp tục con đường học tập để thành một giáo viên đứng trên bục giảng bằng chính nghị lực của mình. Hiện anh đang là giáo viên dạy tin học tại Làng May Mắn, nơi lớn lên của những trẻ em cơ nhỡ, khó khăn.
Bên cạnh tin học, anh còn tự nghiên cứu và học tập ngành thiết kế đồ họa với mong muốn sau này cải thiện cuộc sống để chăm lo cho vợ, người đã hy sinh cả thanh xuân cho anh.
Một tấm lòng vì cộng đồng
Chị Huỳnh Thị Xậm (kỳ phát sóng ngày 15/11/2020) sinh ra đã khác biệt với mọi người khi cả tay và chân đều không lành lặn nhưng suốt bao năm qua, chị vẫn luôn là tấm gương nghị lực được nhiều người ngưỡng mộ.
Chị chia sẻ: “Tôi thường hay nằm mơ thấy mình có được một cánh tay khỏe mạnh, đó là điều hạnh phúc nhất của tôi chưa được đi học thì tương lai đều là bế tắc…”.
Khi MC Đình Toàn đề cập về những ánh mắt ái ngại của bạn bè xung quanh lúc đến trường, chị bộc bạch: “Trong lòng mình vừa ngại vừa mặc cảm, nhưng Xậm đã giấu hết những giọt nước mắt đó vào lòng…”. Và mọi nỗ lực của chị đã được đền đáp, không những hoàn thành chương trình cấp 3, chị còn được trường giữ lại làm thủ thư ở thư viện, điều chị chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có được.
Được biết, chị Xậm còn học chữ nổi để có thể quay về trường cũ chỉ dạy cho các bạn học sinh kém may mắn như mình. Song song với việc dạy tại trường, chị Xậm còn dành thời gian mỗi đêm để luyện vẽ tranh, sau nhiều năm khổ luyện, chị cũng có thể dùng chân và miệng để vẽ ra những bức tranh khéo léo đầy màu sắc khiến mọi người thán phục.
Chị cũng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người có “ý chí kỷ lục”, 3 năm liền đạt “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cấp thành phố, 5 năm liền đạt “Gương thanh niên tiêu biểu”, tốt nghiệp Đại học Mở tại TP.HCM với tấm bằng loại khá ngành Xã hội học và rất nhiều thành tích nổi bật khác mà chị đã được công nhận.
Tình yêu thương dành cho gia đình
Chị Nguyễn Thị Nhi (kỳ phát sóng ngày 08/3/2020) từ thuở nhỏ, với niềm yêu thích kim chỉ, vải vóc, mặc cho đôi chân tật nguyền khó lòng đạp nổi chiếc bàn máy, chị vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ làm thợ may của mình.
Chị Nhi chia sẻ: “Năm em gần 5 tuổi, em bị sốt bại liệt, nhà em chạy chữa rất nhiều. Đến cỡ thầy thuốc thứ 10 thì em mới hết được tay và đầu, còn chân thì chấp nhận để vậy vì gia đình đã cạn kiệt tài chính”. Từ tấm bé, dù học rất giỏi, chị đã dừng việc học để phụ giúp gia đình và quyết tâm học may. Chị kể: “Lúc đó nhà tôi nghèo lắm, mẹ cùng ba và chị hai đi cắt lúa chét về tôi cũng ra phụ đập được cũng 1,2 giạ lúa hột. Tuy ngồi lâu tôi cũng mỏi tay lắm nhưng cũng ráng vì ba mẹ và chị đã cực khổ mang lúa về nên mình giúp được thì giúp. Lúc đó tôi ham học nhưng mình không được học như bạn bè tôi buồn lắm”.
Chị và chồng là Lộc quen biết nhau từ trước nhưng đến năm 2015, một tai nạn giao thông xảy ra đã làm anh Lộc không thể tiếp tục công việc kiếm sống, thương anh một thân một mình không ai chăm sóc, chị quyết định nên nghĩa vợ chồng với anh và trở thành trụ cột chính trong gia đình. Cùng với sự chào đời của con trai 2 năm sau đó, chị Nhi càng phải nỗ lực làm việc để mang lại cho con mình những điều tốt đẹp.
Đón xem “Thần tài gõ cửa” phát sóng lúc 19h15 chủ nhật hàng tuần trên THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.
Theo: TCTTT