Ngày 12/2 vừa qua tại nhà hát Trần Hữu Trang vở diễn Tiếng trống mê linh do NSND Thanh Ngân và NSƯT Trọng Phúc đóng chính, dưới sự đạo diễn của NSND Trần Ngọc Giàu một lần nữa tái hiện lại hào khí nữ tướng oai hùng Trưng Trắc, nứt lòng tất cả những ai yêu nghệ thuật cải lương.
Trong thời điểm gameshow nở rộ nhiều chương trình nghệ thuật ca hát mới lạ, hấp dẫn ra đời mới thấy rất cần những vở diễn kinh điển như Tiếng trống mê linh qua màn phối hợp ăn ý của đôi “ Sơn Ca “ NSND Thanh Ngân và NSƯT Trọng Phúc đã khẳng định giá trị của cải lương luôn có một chỗ đứng vững trải trong lòng khán giả. Vở diễn đã thật sự thành công trọn vẹn với sự góp mặt của của dàn nghệ sĩ như Kim Luận (Trưng Nhị), NSƯT Mỹ Hằng (Lê Chân), Kim Thùy (Thánh Thiên), Diễm Thanh (nàng Tía), Phùng Ngọc Bảy (Tô Định), Thanh Đông (Tào Quyên), Hoàng Minh Vương (Mã Tắc), Tô Tấn Loan (Đông Bản), Thanh Toàn (cụ Đô Trinh), Dũng Nhí (Chương Hầu).
Một lần nữa thế hệ khán giả trẻ như tôi có thể tận tai, mắt cảm nhận nghệ thuật sân khấu cải lương thông qua một vở diễn kinh điển khi mà Tiếng trống mê linh được dàn dựng thật gần với nguyên bản sơ khai. Thông qua đêm diễn như thắp thêm lửa cho những nghệ sĩ lão làng và tiếp thêm niềm đam mê cho những thế hệ trẻ yêu nghề, không gian dường như thu bé lại vì khán phòng chật ních khán giả, ban tổ chức phải kê thêm ghế phụ.
Tôi biết các nghệ sĩ đã phải đổ mồ hôi tập luyện gấp rút và dành tâm sức như nào với việc làm mới một vở diễn không mới mà còn kinh điển như Tiếng trống mê linh trong thời kì khó khăn ảnh hưởng của covid 19 như hiện nay. Với những gì diễn ra trước mắt ngày hôm ấy tôi cảm nhận được lửa nhiệt huyết yêu nghề vẫn ghi sâu nơi ánh mắt các nghệ sĩ.
Nhiều khán giả đã có tuổi vẫn miệt mài say mê từng nhất cử, nhất động của nghệ sĩ trên sân khấu dù đồng hồ đã điểm hơn 22h tối và mãi cho đến khi vở diễn kết thúc ở tận khuya họ mới thỏa mãn vang lên những tràn pháo tay. Thế hệ khán giả lớn tuổi một lần nữa càng xem càng thấm từng lời thoại, câu ca, và nét diễn xuất chỉn chu của toàn bộ ê kíp diễn viên.
Những câu văn chương mượt mà tuyệt đẹp được thể hiện qua từng lời ca đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc: “Đói rét chịu được nhưng nhục mất nước không thể nào chịu được, đó là đạo lý của dân tộc ta đời đời truyền lại. Sức ta yếu nhưng lòng dân ta đang phẫn hận, lấy giáo thù giết giặc, ta sẽ lớn mạnh giữa phong ba, lo gì không đủ gươm giáo. Nén giận nhỏ để làm nên việc lớn, vững tay chèo qua vực thẩm sông sâu, lui một bước đuổi giặc thù vạn dặm, dựng cơ đồ nước Việt dài lâu. Kẻ thù lớn hơn ta gấp bội, nhưng: nước Nam ta lưng dựa núi cao, mắt nhìn biển rộng, sẽ lớn nhanh như sức thần Phù Đổng. Như Tản Viên sừng sững trước phong ba, gươm giáo quân thù sẽ nát vụn dưới chân ta. Có lúc nào bằng lúc này! Ruột gan thiếp bừng bừng lửa đốt.
Chàng ơi! xin chàng hãy tiếp thêm sức mạnh,để cánh tay này nắm chặt chui gươm! Vị Quốc vong thân! Vị Quốc vong thân! Khi nào trời Mê Linh còn muôn vạn vì sao thì còn muôn triệu con tim bừng máu hận, vượt gian khổ quyết làm tròn sứ mạng, hận nước thù nhà trĩu nặng oằn vai. Châu Diên trống thúc cờ bay. Mê Linh rộn rịp đợi ngày xuất quân. Gươm thề nguyền với non sông, đồng lòng em chị tiến công diệt thù”.
Lạ thay dù có xem đi bao lần thì càng xem, người ta càng phát hiện ra cái hay mà lần trước chưa phát hiện và cảm xúc có thể nói vẫn đong đầy như lần đầu tiên thưởng thức vở diễn. Giây phút cả khán phòng như ngưng đọng nghẹn ngào cảm xúc hòa theo thanh âm trong trẻo của NSND Thanh Ngân đưa người xem từ cảm xúc này đến cảm xúc khác thật tinh tế trong giai điệu của lời thoại “Dầu phải nghẹn ngào hy sinh phu tướng,.. Phu tướng, xin chàng hiểu nỗi lòng của thiếp!”. Phân đoạn “Bi” nhất giữa “Nợ Nước Tình Nhà” nhưng Nữ Tướng Trưng Trắc không làm mất đi cái “oai hùng” của một vị chủ Tướng. Tiếp sau đó là những hồi trống tấn công vang dội , là cả một quyết định nát cả lòng của Trưng Trắc tế sống chồng trước khi ra lệnh xuất quân mà NSND Thanh Ngân đã thực sự thể hiện sự ủy khuất nhưng thỏa hết lòng mạnh mẽ, kiên cường “VỊ QUỐC VONG THÂN”. Khán giả đã thực sự mãn nhãn với cảnh Trưng Trắc cởi voi, mãi cho đến câu: “Đất nước Nam độc lập muôn đời” vang lên mọi người mới tách khỏi dòng mạch cảm xúc cảm nhận rõ từng hồi tim đập mạnh, một niềm tự hào dân tộc vang dội dưới lồng ngực. Tiếng trống Mê Linh một lần nữa khẳng định chỗ đứng của mình với khán giả trẻ, trở thành một vở cải lương kinh điển đặc biệt, vượt qua thời gian .
Lời cảm ơn trân trọng nhất phải gửi đến NSND Ngọc Giàu đã phục dựng lại vở diễn kinh điển này, bức màng sân khấu mở ra như thế hệ trẻ yêu cải lương như chúng tôi đi ngược dòng thời gian để sống lại trong lịch sử hào hùng của dân tộc.