Trước buổi phỏng vấn tiếp theo, hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ bằng cách nghiên cứu những khía cạnh sau của công ty:
Sản phẩm, dịch vụ và khách hàng
Thông tin tối thiểu nhất ứng viên nào cũng cần phải biết là công ty bạn ứng tuey63n kinh doanh trong lĩnh vực gì, có những sản phẩm, dịch vụ gì, nhắm tới tập khách hàng mục tiêu nào. Khi hiểu rõ về những giải pháp công ty đang mang ra cho thị trường, bạn cho thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến vị trí đó.
Bạn có thể dễ dàng tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ của công ty và cơ sở khách hàng bằng cách truy cập trang web chính thức của họ, đọc báo hay các website tìm việc mà họ đã chọn sử dụng.
Lịch sử, tầm nhìn và sứ mệnh
Vị thế hiện tại của công ty rất quan trọng, nhưng kiến thức cơ bản về lịch sử phát triển của họ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những thành tựu và thách thức họ đã vượt qua. Bạn có thể tìm hiểu những điều như nhà sáng lập công ty, các thương vụ mua lại và sáp nhập, các đối tác từng hợp tác, tăng trưởng qua từng giai đoạn…
Bên cạnh đó, tầm nhìn và sứ mệnh của một doanh nghiệp cũng cần được nghiên cứu vì đó là động cơ thúc đẩy hoạt động tồn tại và kinh doanh của cả một tập thể. Biết được điều này, bạn có thể thêm vào câu trả lời của mình những ý tưởng phù hợp với giá trị của công ty, chứng minh bạn là một nhân tố phù hợp với định hướng phát triển của họ.
Đối thủ và lợi thế cạnh tranh
Ngoài hiểu biết về công ty, bạn cũng nên biết về các đối thủ cạnh tranh hàng đầu của họ. Khi đi phỏng vấn xin việc, bạn có thể gặp những câu hỏi liên quan đến tình hình cạnh tranh của công ty để nhà tuyển dụng đánh giá nhận thức của bạn về ngành nghề.
Do đó, hãy dành thời gian phân tích thách thức và cơ hội của công ty, vị thế của công ty so với các đối thủ, lợi thế cạnh tranh của họ là gì. Bằng cách thể hiện sự hiểu biết của bạn về thị trường và lợi thế của công ty, bạn có thể làm nổi bật chuyên môn và sự quan tâm của mình đối với vai trò này.
Văn hóa công ty
Một nghiên cứu cho thấy 43% các chuyên gia nhân sự tin rằng sự phù hợp với văn hóa công ty là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một ứng viên. Xác định được văn hóa của công ty giúp bạn hiểu hơn về môi trường làm việc, đồng nghiệp tương lai, và họ đang tìm kiếm điều gì ở một nhân viên mới.
Ví dụ, nếu công ty có một nền văn hóa trẻ trung và sôi động, bạn có thể đề cập rằng bạn có thể làm việc hiệu quả nhất trong một bầu không khí sáng tạo và cởi mở. Để tìm hiểu về văn hóa công ty, hãy nghiên cứu các trang mạng xã hội, hội nhóm đánh giá công ty, và nhất là kết nối và tham khảo những người từng làm việc ở đó.
Tin tức và sự kiện gần đây
Tìm hiểu về những sự kiện, thành tựu mới nhất của công ty chắc chắn sẽ giúp bạn ghi thêm điểm với người phỏng vấn. Họ vừa có chiến dịch quảng cáo nào hay, vừa nhận được giải thưởng gì, sắp có kế hoạch tung sản phẩm mới nào… Đề cập tới những điều này có thể cho thấy sự quan tâm sâu sắc của bạn dành cho công ty.
Hầu hết các công ty đều có một trang trên trang web của họ dành riêng cho các thông cáo báo chí và các sự kiện, đồng thời cũng cập nhật chúng lên mạng xã hội của công ty. Đây là một nguồn tuyệt vời để bạn tìm hiểu thêm thông tin về công ty, bên cạnh các kênh online khác. Tuy nhiên, hãy chú ý không nhắc tới những tin tức tiêu cực ví dụ như mất thị phần, khủng hoảng truyền thông, kinh doanh ế ẩm nhé.
Những người lãnh đạo công ty
Trước khi đi phỏng vấn xin việc, hãy nhớ tìm hiểu tiểu sử các giám đốc điều hành, ban quản lý của công ty trên trang website chính thức và cụ thể hơn là trên LinkedIn. Thông thường, quản lý phòng ban bạn ứng tuyển sẽ là người trực tiếp phỏng vấn bạn. Vì vậy, tìm hiểu về lý lịch của người phỏng vấn, vị trí của họ đối với công ty và thậm chí một số sở thích chung mà cả hai cùng chia sẻ có thể cho bạn một phong thái tự tin hơn trong buổi phỏng vấn.
Hà Phương