Rất nhiều nước nói “cảm ơn” trước khi ăn, nhưng tại sao chỉ có “Itadakimasu” của người Nhật lại nổi tiếng đến thế?
Xem thêm:
Dù có đang là du học sinh Nhật Bản hay không, biết tiếng Nhật hay không, đam mê văn hóa Nhật hay không, bằng một cách nào đó, chúng ta đều rất quen thuộc với câu “Itadakimasu”
Đây là câu người Nhật thường nói trước mỗi bữa ăn, kèm theo hành động chắp tay đầy kính cẩn. Thông thường, người ta vẫn dịch “itadakimasu” thành “cảm ơn vì bữa ăn” hoặc “xin phép được dùng bữa”.
Tuy nhiên, thật “oan” cho người Nhật nếu chúng ta cố gắng dịch itadakimasu thành một câu hoàn chỉnh, bởi một câu nói là không đủ để khái quát ý nghĩa ẩn giấu trong itadakimasu. Hiểu theo cách nôm na nhất, itadakimasu nghĩa là: “Tôi rất cảm kích và xin được khiêm nhường nhận lấy bữa ăn này”.
Itadakimasu – khi thế giới là một vòng tuần hoàn
Đúng vậy, itadakimasu không chỉ là một lời cảm ơn đơn thuần, một hình thức chúc ăn ngon, mà nó là một sự kính cẩn lặng lẽ thông qua khiêm nhường ngữ của từ “itadaku” – nghĩa gốc là “đặt lên đầu”. Trong văn hóa Nhật, cái gì ở cao đều đẹp, đều quý, nên hành động nâng lên đầu là mức độ cao nhất của sự quý trọng.
Tại sao chúng ta phải thể hiện sự quý trọng bữa ăn mình mất công nấu nướng, hay bỏ tiền ra mua? Bởi vì với người Nhật, ăn không phải là việc hưởng thụ, mà là sự cho đi. Bất kể thức ăn của bạn là mặn hay chay, trước khi đặt lên đĩa, nó đã từng là một sinh mệnh sống động (inochi). Để duy trì sự sống cho con người, một sinh mệnh khác buộc phải hy sinh, và vòng tuần hòa đó cũng tương tự như chuỗi thức ăn trong lý luận phương Tây, từ đấy tạo nên vận động không ngừng của thế giới.
Những đối tượng được nhắc đến trong Itadakimasu
Đứng trước một đĩa thức ăn, người Nhật sẽ nhớ đến triết học cho – nhận sâu sắc của Itadakimasu, và hướng sự kính cẩn tới vạn vật trên đời, từ tự nhiên cho tới con người.
Nguyên liệu tự nhiên
Trước hết, itadakimasu biết ơn đến những sinh vật đã hy sinh để tạo ra bữa ăn cho bạn. Đó có thể là thịt cá nhưng cũng có thể là hạt gạo trong bát cơm, hạt đậu nành trong nước tương, thậm chí chỉ là một hạt muối mè. Nếu đã xuất hiện trên trái đất này, vạn vật đều có sự sống và cần được tôn trọng, biết ơn khi sử dụng.
Khi nói ra itadakimasu, người Nhật cũng tự nhắc nhở mình phải ăn thật ngon và ăn cho hết, nếu không sẽ là một sự xúc phạm với những sinh mệnh tự nhiên kia. Vì thế, đôi khi, câu này cũng được dịch nôm na là “Tôi sẽ ăn thật ngon ạ!”.
Người góp phần làm ra món ăn
Dĩ nhiên, để thịt cá và rau củ trở thành món ăn ngon, không thể không có yếu tố con người. Nói “itadakimasu” trước bữa ăn cũng nhắc nhở chúng ta phải hướng đến những đóng góp vô hình ấy. Hãy tưởng tượng, một chú cá phải trải qua nhiều khó khăn thế nào dể đến được bàn ăn của bạn. Từ lòng biển đến tàu đánh cá, từ tàu đánh cá ra chợ, rồi từ chợ tới nhà hàng hoặc bàn ăn gia đình. Quá trình ấy là thành quả lao động của hàng trăm con người mà bạn không biết tên, nhưng nếu không có họ, bạn chẳng thể nào có nổi một bữa ngon.
Itadakimasu còn là lời cảm ơn đến những người nông dân, ngư dân, bán hàng, người vận chuyển, v.v… trong hệ thống khổng lồ của xã hội loài người.
Người thiết đãi bữa ăn
Cuối cùng, đừng bao giờ quên biết ơn những điều tốt đẹp ngay trước mặt. Khi tới nhà ai và được thiết đãi, điều đầu tiên bạn phải nói trước bữa ăn chính là itadakimasu, với ý nghĩa rất đơn giản và thực tế: Cảm ơn đã cho tôi thức ăn, tôi sẽ kính trọng và ăn thật ngon. Dĩ nhiên, sự kính trọng này không chỉ hướng đến gia chủ, mà còn dành cho người bán hàng và đầu bếp ở nhà hàng nữa. Miễn là có ai nấu ăn cho bạn, thì đó đã là một sự “cho” cần phải khắc ghi trong lòng.
Điều bất ngờ là, itadakimasu vốn không phải một phong tục quá lâu đời Nhật Bản. Nó xuất hiện vào khoảng thời Meji (1913) và chỉ lưu truyền trong giới quý tộc – tầng lớp được xem là có học và sang trọng. Sau thế chiến thứ hai, nhận thấy ý nghĩa tốt đẹp của itadakimasu, nước Nhật bắt đầu phổ biến việc sử dụng nó đến toàn dân, như dạy học sinh mẫu giáo đồng thanh hô “itadakimasu” trước bữa ăn.
Có lẽ đối với người Nhật, bài học đầu tiên là về lòng biết ơn, và người có học, trước hết, phải là người khiêm nhường.