Vụ trẻ sơ sinh bị kéo đứt cổ, khâu lại vết thương: PGĐ bệnh viện Đức Thọ lý giải chi tiết mâu thuẫn

PGĐ bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ đã lên tiếng lý giải việc trẻ sơ sinh bị kéo đứt cổ, khâu lại vết thương ở bệnh viện này.

Sự việc bé sơ sinh tử vong với 8 vết khâu dài trên cổ sau khi sản phụ Nguyễn Thị Tình (SN 1982, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đi đẻ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh gửi Bộ Y tế, sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia sản khoa, qua hình ảnh nhận định thai nhi đã chết lưu trên 7 ngày. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nội dung văn bản còn nhiều vấn đề chuyên môn cần làm rõ.

BVĐK huyện Đức Thọ.

Trẻ đã chết lưu 7 ngày nhưng vẫn khâu được da?

Cụ thể báo cáo nêu, kíp trực đã không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ, sau khi được bác sĩ Nguyễn Minh Đức đỡ đẻ, da đầu thai nhi bị bong trợt, da bàn tay, bàn chân bị bong tróc, phồng rộp, da bụng, da bìu bị bong trợt. Bác sĩ chẩn đoán thai chết lưu trên 7 ngày. Tuy nhiên, khi kéo và làm cổ đứa trẻ bị đứt, bác sĩ Đức đã trực tiếp khâu vết thương quanh cổ cho cháu bé nhưng lại không thông báo cho người nhà vào xem và nắm được sự việc. Điều này đã khiến dư luận thắc mắc.

Trước câu hỏi này, ông Phạm Hồng Cường – Phó Giám đốc Bệnh viện Đức Thọ cho biết, vấn đề này đã được bác sĩ Đức làm tường trình, tuy nhiên ông Cường chưa nắm rõ cụ thể tường trình của bác sĩ Đức nên chưa hiểu lý do gì khiến bác sĩ Đức khâu lại vết thương cho trẻ sơ sinh sau khi làm đứt cổ.

Ông Phạm Hồng Cường – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ chia sẻ sự việc.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng khi trẻ đã chết lưu 7 ngày như báo cáo của bệnh viện đã nêu thì không thể khâu lại vết thương được vì da sẽ mủn. Tuy nhiên, ông Cường khẳng định sau khi làm đứt cổ trẻ, bác sĩ Đức đã khâu lại vết thương này.

Ông Cường cho biết: “Tôi không chuyên sâu bên sản nhưng theo tôi được biết thì có những trường hợp vừa chết thì da có mủn nhưng sau đó thì sẽ ổn định lại. Tuy nhiên một số vị trí da vẫn bị lầy lụa. Còn tại sao chết nhiều ngày nhưng vẫn có máu ở vết thương đứt cổ của trẻ là vì tĩnh mạch máu vẫn được nuôi qua rốn nên vẫn còn máu”.

Tại sao lại cho bác sĩ chuyên Khoa Răng – Hàm – Mặt trực chính khoa sản?

Liên quan đến thông tin ngày hôm đó do thiếu người nên bệnh viện chỉ có bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền là trực chính của bệnh viện, ông Cường cho biết, bác sĩ Quyền là bác sĩ đa khoa nhưng chuyên về răng – hàm – mặt và hôm đó có trực bệnh viện.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản BV ĐK Đức Thọ, người kéo đầu trẻ gây đứt cổ.

Theo ông Cường, thông thường mỗi ca trực của bệnh viện sẽ có 3 bác sĩ gồm 1 người trực lãnh đạo, 1 người trực Khoa Ngoại và 1 người trực Khoa Nội.

“Hôm đó là bác sĩ Sơn (Giám đốc bệnh viện) trực lãnh đạo, bác sĩ Quyền trực Khoa Ngoại và có một bác sĩ trực Khoa Nội nhưng tôi không nhớ rõ. Còn bác sĩ Nguyễn Minh Đức – Trưởng Khoa Sản hôm đó là ngày nghỉ. Do 2 hộ sinh không xử trí được nên gọi và bác sĩ Đức từ nhà lên đỡ đẻ”, ông Cường cho biết.

Cần giám định pháp y để làm sáng tỏ vấn đề

Trả lời trên báo Lao động, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng Khoa Sản phụ khoa, Trung tâm y tế 178 Thái Hà cho rằng, đáng lẽ khi xảy ra sự việc, kíp trực cần phải thông báo ngay cho Trưởng khoa, Giám đốc bệnh viện, người nhà và thực hiện giám định pháp y, thay vì cuống cuồng xử lý bằng cách khâu lại thi thể đã tan nát. Đó là sai sót trong việc ứng xử của nhân viên y tế khi hậu quả xảy ra.

Sản phụ Nguyễn Thị Tình.

Bác sĩ Dung nhận định: “Tôi cho rằng phải có giám định pháp y xác định rõ ràng đứa trẻ tử vong từ bao giờ, vì nguyên nhân nào? Chứng cứ này sẽ có vai trò quan trọng trong việc xử lý lỗi của bác sĩ, làm sáng tỏ mọi mối nghi ngờ. Phải nhìn nhận vụ việc này một cách tổng thể, dư luận không thể đổ tội lên đầu một mình bác sĩ”.

Bên cạnh đó, bác sĩ Dung tiếp tục đặt câu hỏi: “Vì sao không ai nhắc tới tiền sử theo dõi thai kỳ của người mẹ? Người mẹ sinh con thứ mấy? Đã từng khám thai bao giờ chưa?”. Theo nữ bác sĩ, đây là một trong những căn cứ để làm sáng tỏ mọi mối nghi ngờ trong gia đình sản phụ cũng như trong dư luận.

Như đã đưa tin trước đó, sáng 30/6, sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi, trú xã Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) được gia đình đưa vào nhập viện đa khoa huyện Đức Thọ vì có nhiều dấu hiệu chuyển dạ.

Khi vào viện, 2 hộ sinh đã thăm khám, đo nhịp tim thai nhi và thấy bình thường.

Đến hơn 18h30 cùng ngày, sản phụ Tình có dấu hiệu chuyển dạ nên được đưa vào bàn đẻ. Đến 19h20 cùng ngày, anh Nguyễn Sỹ Chiến (chồng sản phụ Tình) được bác sĩ thông báo con của anh đã tử vong với vết đứt dài trên cổ. Anh Chiến cho rằng, vì bác sĩ đỡ đẻ đã kéo đứt cổ mới khiến con anh tử vong.

Theo: HELINO