5 lí do bạn cần học cách nói không

Rất nhiều chuyên gia về phát triển con người khuyến khích chúng ta nói “Có” thường xuyên hơn với mọi cơ hội trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cũng cần học cách nói không trong nhiều trường hợp bởi những lợi ích sau đây.

Có tiếng nói trong việc quyết định cuộc đời bạn

Học cách nói không là một kỹ năng sống giúp bạn đưa ra những quyết định sát với mục tiêu cuộc đời của bạn hơn, dù là khi xin việc làm hoặc làm việc. Nó loại trừ bớt những sự rối bời xảy ra khi bạn quay cuồng giữa đủ thứ chuyện của mình và mọi người. Đừng để nhu cầu của người khác che lấp đi mong muốn của bạn. Khi bạn rõ ràng về những ưu tiên của bản thân, việc đưa ra quyết định và nói không vì những lí do hợp lý sẽ dần trở nên dễ dàng. Từ chối cũng là một nghệ thuật. Và khi chúng ta có thể từ chối mà không thấy có lỗi hay vướng bận trong lòng, bạn có thể mở đường cho một lối sống lành mạnh, có động lực hơn, làm chủ chính cuộc đời và quỹ thời gian của mình.

Giải tỏa căng thẳng

Áp lực là điều không thể tránh khỏi kể cả khi làm việc bạn yêu thích. Nếu bạn thấy bản thân đang quá tải dù là vì nhiệm vụ công ty hay việc hỗ trợ người thân, bạn bè, bạn cần phải ngưng lại một chút để đánh giá lại quỹ thời gian và sức chịu đựng của mình. Gồng mình đảm đương những việc bạn không tha thiết, bị sức ép về cảm xúc khiến bạn làm mọi thứ với tâm trạng nửa vời, sẽ dẫn đến sự bùng nổ căng thẳng và giảm sút trong hiệu quả làm việc. Mặc dù đôi khi chúng ta cảm thấy mình không thể nói không, dần dần xây dựng một giới hạn sẽ giúp bạn thấy dễ dàng hơn để từ chối vào những lần sau.

Dành thời gian cho những gì thực sự quan trọng

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của việc nói không là cho bản thân bạn và những người khác thấy rằng thời gian của bạn là vô cùng quan trọng và không thể bị lãng phí. Rất nhiều lần trong công việc, chúng ta đảm nhận những việc ngoài khả năng, chỉ để chứng minh rằng chúng ta là “siêu anh hùng” có thể làm được tất cả. Nhưng đôi khi, tốt hơn là bạn nên dừng lại và làm những điều bạn thực sự thích làm hoặc những điều thực sự sẽ giúp bạn phát triển. Mỗi khi bạn nói không với một điều, bạn đồng thời sẽ nói có với điều gì đó khác. Vậy tại sao không dành thời gian và năng lượng của mình cho những hoạt động thực sự có giá trị với bạn?

Xây dựng những mối quan hệ cân bằng

Thật không may, nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình đang khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp thất vọng khi từ chối họ. Đây là một thái độ cần phải thay đổi. Hãy thử nghĩ theo chiều ngược lại: Bạn có đồng ý với việc họ đặt nhu cầu của bản thân lên hàng đầu và nói từ chối bạn khi họ cảm thấy cần thiết? Tất nhiên rồi. Bạn có thể thất vọng khi họ nói không với bạn nhưng bạn hiểu rằng họ cần đặt bản thân vào trung tâm cuộc sống của họ. Sự thông cảm là chìa khóa của một mối quan hệ đích thực.

Khi bạn liên tục nói có với mọi yêu cầu, mọi người có thể dần trở nên không tôn trọng nhu cầu và thời gian của bạn. Họ sẽ coi bạn là điều hiển nhiên cảm thấy bị xúc phạm nếu bạn từ chối. Họ cách nói không giúp bạn đặt ra ranh giới cho các mối quan hệ. Người thân, bạn bè của bạn biết rằng bạn sẽ giúp đỡ nếu bạn có thể nhưng họ hiểu rằng nhu cầu của bản thân bạn phải được đặt lên hàng đầu.

Thêm tự tin và tôn trọng bản thân

Nếu bạn đồng ý giúp ai đó khi bạn không thực sự muốn, vô tình một sự trách móc thầm kín có thể diễn ra trong bàn và tác động tiêu cực đến mối quan hệ. Khi đó, nói không một cách trung thực sẽ thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho bản thân và cho người khác. Nó không có nghĩa là bạn lười biếng hay vô tâm, đơn giản là bạn coi trọng lời hứa và không muốn chỉ vì để tránh mâu thuẫn hay sự khó xử mà quyết định thực hiện nửa vời. Khi bạn từ chối với lí do chính đáng, những mối quan hệ đích thực sẽ tôn trọng sự độc lập của bạn. Hãy nhớ rằng, sự tin cậy không chỉ là luôn luôn có thể đưa một cánh tay ra giúp đỡ. Sự tin cậy còn đến từ việc bạn thực lòng dốc tâm sức vào một việc bạn cảm thấy thoải mái khi nhận lời giúp đỡ.

Hãy học cách nói không ngay hôm nay để thay đổi các mối quan hệ của chúng ta theo hướng trung thực hơn, giá trị hơn và không còn phải trách móc bản thân vì lãng phí thời gian cho những điều ta không mong muốn.

Hà Phương