Một bản CV ứng tuyển chỉ có giá trị khi nó có thể thu hút nhà tuyển dụng và mang đến cho bạn một cơ hội phỏng vấn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết trình bày và lựa chọn ngôn từ thích hợp.
Dưới đây là 8 mẹo lựa chọn từ ngữ khi làm CV online free để bạn có thể tham khảo, từ đó có sự cân nhắc trong quá trình làm hồ sơ xin việc.
Dùng từ khóa liên quan đến chuyên ngành
Việc sử dụng các từ ngữ mang tính chuyên ngành sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá được năng lực cũng như thái độ của bạn đối với vị trí ứng tuyển. Ví dụ như bạn đang cần liệt kê một số kỹ năng cho vị trí ứng tuyển là Content Writer – nhân viên biên tập nội dung thì nên tập trung vào những cụm từ như thiết lập chiến lược nội dung, tạo nội dung quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, tạo các chiến lược Viral Content Marketing trên các công cụ Online Marketing, phân tích và đo lường hiệu quả các chiến dịch quảng cáo,…
Những từ khóa này sẽ mang đến cho bạn lợi thế trong quá trình ứng tuyển bởi nhà tuyển dụng có thể nhanh chóng đánh giá bạn có thể làm được những gì.
Sử dụng các từ – cụm từ đồng nghĩa để tránh lặp từ
Sử dụng các từ đồng nghĩa có thể giúp bạn hạn chế lặp từ mà vẫn có thể truyền đạt được đúng ý nghĩa mong muốn. Đây cũng là cách để nội dung CV không nhàm chán bởi nhà tuyển dụng sẽ thấy được sự đa dạng và linh hoạt trong cách dùng từ của bạn.
Ví dụ khi đề cập đến kinh nghiệm làm việc thì bạn có thể dùng các cụm như chịu trách nhiệm A, đảm nhiệm công việc B, xử lý tác vụ C… thay vì chỉ dùng một từ duy nhất từ trên xuống dưới.
Cân nhắc các động từ thể hiện kết quả/ thành tích
Những động từ như cải thiện, đạt được, giải quyết, tăng,… nên xuất hiện trong CV ứng tuyển của bạn. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà tuyển dụng bởi họ chỉ muốn tuyển những nhân viên có thể mang lại lợi ích cho công ty. Chính vì việc đề cập những động từ hướng đến kết quả, cộng thêm định lượng bằng những con số cụ thể chắc chắn sẽ khiến nhà tuyển dụng ấn tượng, dành thời gian lâu hơn để nghiên cứu CV của một ứng viên tiềm năng như bạn.
Tận dụng các từ hay trong mô tả công việc
Trong trường hợp phân vân cách dùng từ sao cho thích hợp để nhà tuyển dụng ưng ý thì bạn vẫn có thể tận dụng các từ/ cụm từ hay trong bản mô tả công việc. Nó chắc chắn sẽ rất hữu ích bởi nhà tuyển dụng thấy được sự tương đồng giữa CV của bạn với những yêu cầu công việc. Tuy nhiên, bạn nên chọn lọc các từ phù hợp và không lạm dụng vì có thể khiến người đọc cảm thấy bạn không hiểu những gì đang viết mà chỉ cố tình nhồi nhét.
Chọn từ ngữ đánh giá năng lực khách quan, không phô trương
Những cụm từ đánh giá năng lực khách quan có thể cho nhà tuyển dụng biết chính xác trách nhiệm của bạn là gì và hiệu quả thực tế mà bạn đã làm được. Ví dụ bạn đã giúp tăng doanh số, tăng đơn hàng,… cho công ty trong quý 3 năm 2023 đều là những thông tin khách quan và cụ thể. Không nên đưa ra một số cụm từ mô tả chất lượng công việc một cách chủ quan như khéo léo, hiệu quả, cẩn thận,… vì nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy bạn đang tự tâng bốc bản thân và không hề mang tính xác thực.
Chọn từ ngữ phổ biến, dễ hiểu
Trong cách lựa chọn từ ngữ để viết CV, điều bạn nên chú ý đó là sử dụng từ ngữ đơn giản, phổ biến và dễ hiểu. Tránh dùng từ lóng hay từ địa phương… vì nó có thể gây khó hiểu và khiến CV bị bỏ qua.
Hạn chế cách dùng từ chung chung
Việc bạn viết CV dài, nhiều chi tiết để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng không hẳn là chính xác. Nếu CV quá nhiều chữ, từ ngữ sử dụng sáo rỗng không đúng trọng tâm thì khả năng cao hồ sơ đó sẽ bị loại.
Bạn đừng kể ra hàng loạt kinh nghiệm làm việc ở vị trí Leader cho nhóm Sales như có kinh nghiệm quản lý nhân viên, có kỹ năng giám sát đầu tư vốn, có khả năng đào tạo nhân viên mới… bởi không có chi tiết nào cụ thể và không thuyết phục.
Thay vào đó, bạn hãy đề cập các cụm từ như “Quản lý nhóm 10 nhân viên của công ty B”, “Giám sát nguồn ngân sách đầu tư vốn 2 tỷ đồng của dự án Y” hoặc “Đề xuất các chương trình đào tạo cho nhân viên quý 2 năm 2023 cho xí nghiệp Z”. Tất cả đều mang tính thực tế và dễ tiếp nhận.
Tránh từ ngữ trong “blacklist” của nhà tuyển dụng
Một số chuyên gia tuyển dụng đã chia sẻ rằng họ sẽ cảm thấy không thoải mái nếu như đọc được CV có những từ ngữ thuộc “danh sách đen”. Chẳng hạn như nhà tuyển dụng sẽ không hứng thú khi nhìn thấy trong CV ứng tuyển có những cụm từ như “được hỗ trợ” hay “được giúp đỡ”. Điều họ muốn ở một ứng viên là sự chủ động, khả năng tự lực cánh sinh để giải quyết vấn đề chứ không phải lúc nào cũng chờ đợi trợ giúp.
Pha Lê