Cảnh sát ở thành phố phía Bắc Meerut còn yêu cầu người cố tình phạm luật giơ tấm biển đề “Tôi là bạn của virus corona” hay “Tôi là kẻ thù của xã hội”.
Xem thêm:
- Bác tin đồn phong tỏa toàn TP.HCM
- Cập nhật Covid-19 ngày 26/3: Tiếp tục hơn 10.000 ca nhiễm 1 ngày, Mỹ…
Tính đến ngày 26/3, thế giới đã ghi nhận 471.200 trường hợp nhiễm Covid-19 và 21.286 ca tử vong. Trong đó, Ấn Độ có 657 ca mắc và 12 người tử vong. Ngày 24/3 vừa qua, Thủ tướng nước này đã yêu cầu phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, bắt đầu từ đêm 25/3.
Theo đó, các dịch vụ thiết yếu như điện nước, cứu hỏa, y tế và thực phẩm vẫn hoạt động bình thường trong khi phương tiện giao thông công cộng giữa các bang sẽ phải đóng cửa. Mọi cửa hàng, công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất, văn phòng và nơi thờ cúng cũng tạm ngừng hoạt động trong thời gian này để ngăn tình trạng bùng phát dịch.
Khi lệnh phong tỏa 1,3 tỷ dân có hiệu lực chưa được bao lâu, trên Twitter đã xuất hiện một số hình ảnh cảnh sát Ấn Độ thẳng tay trừng phạt người vi phạm. Tại một số bang ở Ấn Độ, cảnh sát đã yêu cầu những người phạm luật đứng lên ngồi xuống hay chống đẩy nhiều lần như hình thức phạt. Các sĩ quan cảnh sát đã thực hiện nhiều đợt tuần tra ngoài đường phố và chặn người đi đường lại để yêu cầu trình bày lý do ra khỏi nhà.
Cảnh sát ở thành phố phía Bắc Meerut đã yêu cầu người cố tình phạm luật giơ tấm biển đề “Tôi là bạn của virus corona” hay “Tôi là kẻ thù của xã hội” rồi chụp ảnh lại và đăng trên mạng xã hội với chú thích “Một số người không hề quan tâm tới sự an toàn của cộng đồng” để răn đe. Cơ quan cảnh sát Meerut giải thích với Reuters rằng chỉ những người tiếp tục chống đối và không trở về nhà khi được yêu cầu mới bị chụp ảnh.
Một số đài truyền hình địa phương còn chia sẻ hình ảnh người dân bị đánh bằng gậy ở phía nam Ấn Độ trong ngày đầu tiên áp lệnh phong tỏa toàn quốc.
Đến nay, một sở cảnh sát cho biết họ không hề biết vì về chuyện này. Người phát ngôn của sở cảnh sát New Delhi cũng phủ nhận thông tin cảnh sát đánh đập người dân dù đã có nhiều hình ảnh ghi lại sự việc.
Các chuyên gia cảnh báo có thể sẽ có tới 500 triệu người Ấn Độ bị nhiễm Covid-19 trong năm tới, đồng nghĩa với việc nước này có thể ghi nhận hơn 1 triệu ca tử vong trong 12 tháng tới. Chính vì thế, tự cách ly tại nhà, hạn chế tụ tập đông người đang được coi là một trong những biện pháp hiệu quả giúp giảm thiểu tối đa sự lây lan của đại dịch.
Tuy đến nay, số lượng người nhiễm bệnh và tử vong vì Covid-19 của Ấn Độ còn khá nhỏ so với các quốc gia châu Âu nhưng nếu mọi thứ trở nên tệ hơn, đất nước tỷ dân này sẽ phải đối mặt với tình hình nghiêm trọng. Nguyên nhân là vì Ấn Độ vốn là nước có điều kiện sống và vệ sinh kém. Không những vậy, hệ thống chăm sóc y tế của họ cũng còn nhiều hạn chế và có thể dẫn tới tình trạng mất kiểm soát nếu dịch Covid-19 bùng phát.
Ấn Độ không phải quốc gia duy nhất trên thế giới áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc. Trước đó, Ý cũng có động thái tương tự sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng chóng mặt. Thời điểm hiện tại, Ý là “ổ dịch” lớn thứ hai thế giới với 74.386 người nhiễm và 7.503 trường hợp tử vong. Ngày 25/3, Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin cũng tuyên bố cho người dân toàn quốc nghỉ một tuần hưởng nguyên lương, từ ngày 28/3 đến ngày 5/4 để đối phó với đại dịch.
Theo: Trí Thức Trẻ