Chiến sĩ bộ đội rơi nước mắt khi gọi điện với vợ sắp sinh

“Anh xin lỗi không về được. Vì con, em cố gắng lên nhé”, Đại úy Tùng nói khi thấy vợ cúi gập người vì những cơn đau trong phòng chờ sinh của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, tối 1/9.

Thương vợ con nhưng không thể rời đơn vị công tác ở tỉnh Phú Thọ để trở về Hà Nội trong những ngày giãn cách, anh Ngô Viết Tùng (sinh năm 1993) chỉ có thể nói lời động viên qua màn hình điện thoại.

“Lúc vợ sắp đẻ, tôi cảm thấy rất bất lực. Là bộ đội từng trải qua nhiều thử thách, khó khăn, nhưng lần này như ngồi trên đống lửa, không biết làm gì hơn. Mắt rơm rớm vì thương nhưng kìm lòng không khóc vì mình mà khóc thì vợ sao còn động lực để sinh”, anh Tùng kể với Zing.

Đại úy Tùng rơi nước mắt khi nhìn vợ đau đớn ở phòng chờ sinh và vỡ òa hạnh phúc khi hay tin mẹ tròn con vuông.

“Vợ em đẻ rồi”

Trong quá trình bà xã, chị Quỳnh Chang, mang thai bé thứ hai, anh Tùng về nhà đúng một lần vào lúc vợ bầu 5 tháng vì bận công tác.

Lúc bà xã báo sắp sinh, anh đăng ký nghỉ phép về nhà chăm vợ con. Tuy nhiên, do Hà Nội đang thực hiện lệnh giãn cách, ông bố 28 tuổi cuối cùng không thể trở về như dự định.

Vào ngày vợ chuyển dạ và được đưa tới bệnh viện, anh Tùng sốt ruột gọi điện hỏi tình hình. Tuy nhiên, biết chồng lo lắng chị Chang chỉ dám để người nhà nhận điện thoại.

“Nhưng chồng mình nhất quyết đòi video call gặp vợ. Chứng kiến cảnh mình đau đớn trong phòng chờ sinh, anh liên tục xin lỗi và động viên mình cố gắng. Thấy chồng rơi nước mắt mình xúc động lắm”, chị Chang kể.

Đến hiện tại, anh Tùng vẫn nhớ như in lần mình đưa vợ đi sinh 4 năm trước. Lúc đó, vợ anh đau suốt 2 ngày 2 đêm, có khi ngồi đợi ở phòng chờ cả đêm mà vẫn chưa sinh được.

“Nghĩ về đợt trước nên lần này tôi lại càng lo hơn. Trong suốt thời gian vợ vào phòng sinh, tôi đứng ngồi không yên, chỉ nhìn chăm chăm vào điện thoại chờ tin của người nhà”.

Sau một tiếng chờ đợi dài nhất trong cuộc đời mình, cuối cùng, anh Tùng cũng nhận được tin vợ đã sinh, mẹ tròn con vuông.

“Nghe mẹ gọi điện bảo đúng một câu: ‘Đẻ rồi nhé’ mà mình nhẹ hết cả người, vui sướng chạy đi khoe với cả đơn vị: ‘Vợ em đẻ rồi'”.

Một năm không lễ Tết

Chị Chang và anh Tùng là bạn học chung cấp hai. Họ bắt đầu hẹn hò khoảng 7 năm trước và kết hôn vào năm 2017. Cùng năm, đôi vợ chồng đón con trai đầu lòng.

Anh Tùng chuyển công tác về Phú Thọ vào năm 2015, trong khi chị Chang đang là giáo viên tại Hà Nội.

Vì tính chất công việc, anh Tùng thường xuyên vắng nhà. Thông thường, cứ 1-2 tháng anh trở về một lần nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, thời gian đoàn tụ gia đình có thể kéo giãn ra thành 4-6 tháng.

“Từ năm ngoái đến nay, tất cả ngày kỷ niệm và cả lễ Tết, tôi đều không thể về. Nhưng nhờ có vợ quán xuyến mà mọi thứ trong nhà vẫn đâu vào đấy. Mình cảm ơn khi vợ luôn chu toàn cho gia đình như vậy, đảm đương cả việc chăm và dạy con thay bố”.

Cặp vợ chồng kết hôn năm 2017 và hiện có hai con.

Trong khoảng thời gian xa nhau, những cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi thăm là cách duy nhất để hai vợ chồng có thể tiếp thêm sức mạnh cho nhau.

“Chồng mình là người tâm lý và rất thương vợ con. Cứ rảnh là anh lại gọi điện. Từ ngày bầu bé thứ hai, mình thường mất ngủ nên anh gọi về càng thường xuyên hơn”.

Dù cũng đôi chút chạnh lòng vì không có chồng ở bên, đặc biệt trong những ngày lễ Tết, chị Chang vẫn hoàn toàn hiểu và thông cảm cho công việc của ông xã. Bà mẹ hai con thậm chí đùa rằng lúc lấy chồng bộ đội thì bản thân đã xác định có ngày “đi đẻ online”.