Lạ miệng với các món bún Sài Gòn

Ở Sài Gòn phải nói là muôn vàn món ăn, món nào cũng có, từ cao cấp đến bình dân. Là một thiên đường ẩm thực nên nơi đây thu hút đông đảo du khách. Thế nhưng các món bún Sài Gòn luôn được ưu ái yêu thích hơn cả. Nếu có đến Sài Gòn thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua list những món bún này đâu. 
Xem thêm:

Bún num bò chóc

Quán bún num bò chóc ngon nhất Sài Gòn nằm trong khu chợ Campuchia trên đường Lê Hồng Phong (quận 10). Rất đông du khách muốn nếm thử món bún lạ miệng này đã đến từ sáng sớm. Bún này có nguồn gốc từ Campuchia, num bò chóc là một loại bún cá nổi tiếng của xứ chùa tháp. Tô bún có màu vàng đặc trưng của nghệ, bên trên là màu xanh đậu đũa, màu tím của bông súng cùng những lát cá lóc màu trắng tươi ngon, nước lèo dậy mùi thơm phức khiến chỉ ngửi thôi cũng thấy thèm.
Trông tô bún thật bắt mắt và hấp dẫn
Nguyên liệu nấu bún num bò chóc gồm có cá lóc, mắm bò hóc, trái chúc (nhìn giống quả chanh dây nhưng có mùi vị khác hẵn), ngãi bún (hương thơm giống củ riềng) chỉ bán ở Campuchia. Nước lèo chang vào bún được nấu từ cá lóc tươi nguyên và nước mắm bò hóc, người ta sẽ nêm nếm các gia vị sao cho vừa ăn, đặc biệt là sự xuất hiện của trái chúc, nó sẽ được lấy vỏ giã nát cùng ngãi bún và củ sả, tạo nên một hương vị không lẫn vào đâu được.
Ăn thử và cảm nhận mới thấu được vị ngon của nó
Nhiều người mới nghe tên gọi num bò chóc sẽ rất e ngại mùi vị của mắm bò hóc mà không dám dùng thử món ăn này. Nhưng phải khẳng định một điều mùi vị của mắm bò hóc đã được ngãi bún, sả bằm và trái chúc át đi, chỉ còn vương lại một hương thơm đậm đà cùng vị chua chua thanh nhẹ đặc trưng của món ăn. Khi thưởng thức, bún num bò chóc được ăn kèm với các loại rau sống quen thuộc như bắp chuối thái, rau muống bào, đậu đũa, dưa leo thái nhỏ, giá, bông súng…Nếu có dịp thì nên thử và cảm nhận nhé!

Bún bì

Chợ Bàn Cờ (quận 3) là là thiên đường của nhiều món bún như: bún riêu, bún bò, phở trộn… trong đó có món bún bì là nổi tiếng gần xa. Bún bì bắt nguồn từ miền Tây Nam Bộ, nhưng ở Sài Gòn nó lại là một phiên bản khác đi ít nhiều, tuy vậy vị ngon thì không thể nào bàn cãi được. Bún bì là sự kết hợp tài tình giữa bún tươi, bì, nước mắm và một ít rau sống… chỉ đơn giản thế thôi là đủ để nó trở thành một món được yêu thích tại thành phố xa hoa.
Tinh hoa ẩm thực đây chứ đâu
Thịt dùng làm bì phải chọn là loại thịt đùi heo nạc tươi ngon, ướp gia vị đều tay và vừa ăn sau đó ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín tới và xắt thật nhuyễn thành từng sợi nhỏ dài. Vo sạch gạo rồi để ráo, cho gạo vào chảo rang vàng, lấy ra để nguội và xay nhuyễn làm thính. Cho da heo trộn đều vưới thịt ram xắt sợi thêm một lượng thính gạo vừa đủ. Tỏi phi vàng thơm và trộn chung với bì cho dậy mùi.Nước mắm ăn bún là quan trọng nhất. Một ít nước mắm, một ít đường cát, nước cốt chanh được hòa chung vào theo một tỉ lệ nhất định cùng với tỏi ớt băm nhuyễn nếm thử phải có vị đằm đằm, cay the the thì đã đúng chuẩn.
Bì được làm công phu rất ngon
Bát bún được trình bày khá đơn giản với các loại rau sống xắt vừa ăn ở bên dưới, bên trên là bún tươi, bì, mỡ hành, đậu phộng rang… Chan nước mắm chua ngọt, trộn đều và thưởng thức hương vị hấp dẫn của món ăn thôi nào!

Bún cay

Cái tên gọi của món ăn đã làm nên sự tò mò cho những tín đồ ẩm thực. Trông rất nhiều các món bún Sài Gòn thì bún cay độc đáo và ấn tượng hơn hẳn. Khi thưởng thức món bún này bạn sẽ hiểu vì sao món ăn có tên gọi thú vị như vậy. Điều này bắt nguồn từ nước lèo ăn bún được nấu cay cay rất bắt vị. Với những ai thích ăn cay thì đây quả là một gợi ý lí tưởng khi khám phá thiên đường ẩm thực Sài Gòn đấy!
Bún cay lạ miệng đây rồi
Bát bún cay chỉ đơn giản với sợi bún to gần bằng sợi bánh canh, chả cây thái lát mỏng vừa ăn, tôm bóc vỏ và giã nhẹ cho hơi dập, thêm một ít thịt băm và nước lèo. Nước dùng của món này hơi đục và có vị cay cay, chính cái vị cay thanh đó đã thu hút bao nhiêu người ăn. Khi nấu, người đầu bếp sẽ cho vào nhiều ớt và tiêu tùy vào người ăn muốn, nước dùng tuy cay nhưng vẫn giữ được vị ngọt đậm đà của nước hầm xương. Không như các loại bún khác, bún cay không ăn kèm với bất kì loại rau nào. Bát bún cay nhiều màu sắc trông thật hấp dẫn, đó là màu trắng của sợi bún tươi, màu đỏ của tôm và màu xanh của hành lá… Bún cay ngon nhất là trong những ngày trời mưa lâm râm, khí trời se se lạnh.
Phiên bản bún cay khô trông cũng ngon không kém
Ba món bún lạ miệng trên sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho những ai còn đang thắc mắc du lịch Sài Gòn ăn gì? Chắc chắn ngoài các món bún Sài Gòn quen thuộc thì đây hẳn là các cái tên mà bạn ăn một lần nhớ cả đời. Chúc bạn có một chuyến đi thật trọn vẹn tại thành phố hoa lệ này nhé!
Theo: dulichvietnam.com