Lễ tang 13 người hy sinh ở trạm kiểm lâm 67

Đoàn người nối dài không ngừng suốt 4 tiếng tiễn biệt 11 sĩ quan và hai cán bộ dân sự hy sinh ở trạm kiểm lâm 67. Linh cữu 13 liệt sĩ được đưa về quê an táng.

Lễ viếng diễn ra tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ 7h đến 11h ngày 18/10. Nơi tổ chức lễ tang được dựng rạp ngoài trời. Sau trận mưa suốt đêm qua, sáng nay trời tạnh ráo.

Linh cữu các liệt sĩ được phủ quốc kỳ. Ảnh: Giang Huy.

Trước lễ viếng chính thức, thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đã gặp gỡ động viên thân nhân các liệt sĩ. Ông đến từng bàn, bắt tay thăm hỏi từng người. Gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân 13 liệt sĩ, ông nói “những mất mát này không gì bù đắp được” và mong các gia đình nén nỗi đau để chu toàn hậu sự.

Ghi trong sổ tang, ông viết: “Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng và cán bộ chiến sĩ toàn quân vô cùng thương tiếc 13 đồng chí trong đoàn công tác đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng chống bão, lụt, cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 ngày 13/10/2020”.

Thượng tướng gửi tới các gia đình lời chia sẻ chân thành “về sự hi sinh không gì bù đắp nổi”. Ông mong các gia đình nén đau thương, sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống và nuôi dạy con cháu tiến bộ, trưởng thành như nguyện vọng của những cán bộ trước lúc đi xa.

Linh cữu các liệt sĩ được đưa ra khỏi nhà tang lễ sau lễ truy điệu. Ảnh: Giang Huy

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện các đơn vị, địa phương đã tới biễn biệt các liệt sĩ. Rất đông người dân đăng ký vào viếng.

“Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ chiến sĩ vì nước vì dân. Những hành động quên mình cứu dân của các đồng chí là tấm gương sáng ngời và còn mãi với người dân, thế hệ mai sau… Xin vĩnh biệt những người con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi sổ tang.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Bộ tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ sự mất mát với gia đình 13 liệt sĩ. Ảnh: Giang Huy

Ông Hoàng Anh Đề, 90 tuổi, bố vợ liệt sĩ Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế, thay mặt thân nhân của 13 liệt sĩ cảm ơn Đảng, Bộ Quốc phòng và Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã dành sự quan tâm.

“Chúng tôi là cựu chiến binh, con chúng tôi là liệt sĩ, cháu chắt chúng tôi sẽ cả đời vì sự nghiệp của nhân dân, Tổ quốc”, ông nói và bày tỏ lòng biết ơn khi ba người vợ liệt sĩ được tạo điều kiện làm việc trong quân đội.

Rất đông chiến sĩ, người dân tới lễ viếng. Ảnh: Võ Thạch

Trong lễ truy điệu, điểm lại quá trình công tác của 13 cán bộ, Tư lệnh quân khu 4, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh khẳng định, những hoài bão trong sự nghiệp và ý nguyện trong cuộc sống của các liệt sĩ sẽ được tiếp tục thực hiện. “Với mệnh lệnh từ trái tim, các anh luôn sẵn sàng có mặt ở nơi hiểm nguy để cứu giúp nhân dân, thể hiện sâu sắc phẩm chất sáng ngời và bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ”, vị tướng nói.

11h20, lễ di quan bắt đầu. 13 liệt sĩ được đưa về quê nhà an táng, trong đó thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, về Quảng Bình. Nhiều người dân đứng hai bên đường đỏ hoe mắt chào tiễn biệt những con người dũng cảm trở về với đất mẹ.

Người dân đứng hai bên đường chào tiễn biệt các liệt sĩ khi đoàn xe đi qua. Ảnh: Nguyễn Đông

Trên đường vào cứu hộ các công nhân mất tích ở thuỷ điện Rào Trăng 3, các sĩ quan của Quân khu 4 và hai cán bộ dân sự thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế gặp nạn đêm 12/10, khi đang trú tại trạm kiểm lâm thuộc tiểu khu 67 (Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền).

Sau ba ngày, hơn 1.000 người gồm lính công binh, lực lượng quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quân khu 4, công nhân và người dân địa phương nỗ lực cứu hộ, 13 người lần lượt được tìm thấy. Xe cứu thương đã đưa các nạn nhân từ nơi bị nạn về Bệnh viện Quân y 268 (TP Huế).

Theo: Vnexpress