Phương pháp giúp phụ nữ sau sinh vượt qua chứng trầm cảm mà các anh chồng cần biết

Thời gian gần đây, những câu chuyện về chứng trầm cảm sau sinh của phụ nữ khiến nhiều người giật mình khi nó xảy ra ngày càng nhiều và để lại hậu quả đau lòng đáng tiếc. Vậy làm thế nào để trầm cảm sau sinh không là cơn ác mộng của phụ nữ trong thời kì mang thai và sinh nở? Hãy cùng “Đẹp không giới hạn” đồng hành với các mẹ bỉm sữa để trầm cảm sau sinh không còn là “cuộc chiến cô đơn” của họ nữa nhé!

Xem thêm:

Nói về chứng trầm cảm sau sinh, bác sĩ Phan Hồng Anh – Phó khoa Dinh Dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cho biết, “Việc sinh em bé làm cho người mẹ bị trầm cảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thay đổi tâm sinh lí, các nội tiết trong cơ thể biến đổi khiến người mẹ thay đổi bất ngờ không đoán trước được, thay đổi về trí lực, thể lực và tác động về tâm lí xã hội”.

Theo đó, tâm lí xã hội chính là những mối quan hệ xoay quanh gia đình như chồng, con, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, anh chị em,… Sự quan tâm và cách hành xử của những cá thể này có ảnh hưởng rất quan trọng đến tâm lí của người phụ nữ vừa mới sinh.

Là một người vừa trải qua gia đoạn trầm cảm sau sinh, ca sĩ Nguyễn Hải Yến – khách mời thứ 2 của chương trình “Đẹp không giới hạn” cũng có những chia sẻ rất thật về những gì từng xảy ra với mình.

“Từ lúc bắt đầu mang thai, Yến đã có những thay đổi về suy nghĩ, sự lo lắng khi đứa con đang lớn dần trong bụng, ăn gì thì tốt và không tốt cho con. Sự quan tâm quá mức của gia đình cũng là một áp lực lớn về tâm lí. Vừa sinh con, Yến bị tắt sữa, cứ một lúc mẹ chồng lại hỏi ‘có sữa chưa’, rồi đến giai đoạn ở cử và chăm con. Con Yến không chịu ti mẹ mà chỉ bú bình nên cứ 2 tiếng mình phải ngồi dậy vắt sữa rất mệt”, Hải Yến chia sẻ.

“Cho đến một ngày khi mọi thứ lên đến đỉnh điểm, mình đã ném con mình xuống giường. Quăng như một cái gì, giờ nghĩ lại may mà lúc ấy ở trên nệm”, nữ ca sĩ nhắc lại thời điểm bị trầm cảm sau khi sinh con. Tình trạng này kéo dài suốt 2 năm, phải đến khi con được gửi về cho ông bà chăm và Hải Yến có chút thời gian dành cho riêng mình, cô mới dần lấy lại cân bằng tâm lí. Với một bà mẹ trầm cảm thì việc cách li con cũng là một giải pháp chữa trị.

Trong quá trình mang thai và sinh con, người phụ nữ cần sự âu yếm, chăm sóc nhưng nếu sự quan tâm vượt quá mức nó sẽ gây tác dụng ngược. Khi người mẹ đang đau đớn, bực dọc vì những triệu chứng sau sinh như áp xe tuyến vú gây tắc sữa mà người nhà xử lí không đúng cách sẽ làm vấn đề trầm trọng hơn.

Áp xe tuyến vú là bệnh thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Tại chương trình “Đẹp không giới hạn”, bác sĩ Phan Hồng Anh đã chia sẻ phương pháp dân gian trị áp xe tuyến vú khá hiệu quả: “Dùng lá đinh lăng non giã ra, nước để uống, xác lá để đắp lên vú sẽ giúp tiêu nhanh, cho em bé ti mạnh là sẽ hết”.

Chăm sóc phụ nữ sau sinh đúng cách phải là chăm sóc cho mẹ, bởi tốt cho mẹ, sẽ tốt cho con. Không áp đặt người mẹ phải ăn những món ăn “cũ kĩ” như đu đủ hầm giò heo, cơm nghệ,… suốt tháng ở cử, thay vào đó linh hoạt hơn về khẩu phần ăn cũng như lắng nghe nhu cầu của người mẹ, nếu hợp lí thì nên đáp ứng.

Việc tích tụ tâm lí ức chế lâu ngày của người phụ nữ sau sinh có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc như người mẹ ghét chính đứa con của mình, thậm chí là tự vẫn vì cảm thấy uất ức. Chính vì thế, người thân trong gia đình, đặc biệt là chồng phải tinh ý quan sát thần thái của vợ mình khi vừa sinh con. Khi người phụ nữ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi sẽ có ánh mắt u buồn, nhìn xa xăm hoặc họ dễ bị gắt gỏng vô cớ. Chứng trầm cảm sau sinh nặng hơn cả là khi người mẹ rơi vào trạng thái tiêu cực không muốn sống hay chăng là sợ nghe tiếng em bé khóc khiến họ có những hành động vô thức gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Phương pháp tốt nhất để ngăn chặn và điều trị chứng trầm cảm được cả bác sĩ Phan Hồng Anh và ca sĩ Hải Yến đưa ra đó chính là: “Hãy chia sẻ!”. Ngay từ thời điểm mới chớm yêu cho đến khi kết hôn, mang thai và sinh con, sự chia sẻ giữa vợ chồng về các vấn đề trong cuộc sống là vô cùng quan trọng. Nó giúp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời khiến cả hai ngày càng hiểu nhau hơn. Ngoài ra, khi chăm sóc phụ nữ sau sinh, sự tinh tế của người thân trong gia đình đóng vai trò quan trọng để người mẹ không rơi vào chứng trầm cảm.