Theo BBC, ông Tesler bắt đầu làm việc tại Thung lũng Silicon vào đầu những năm 1960, vào thời điểm đại đa số mọi người không thể tiếp cận được máy tính.
Nhờ vào sự đổi mới của ông – bao gồm các lệnh “cắt”, “sao chép” và “dán” – mà máy tính cá nhân trở nên đơn giản cho cả việc học và sử dụng.
Xerox, nơi ông Tesler dành một phần thời gian trong sự nghiệp của mình, đã bày tỏ lòng kính trọng đối với ông.
“Người phát minh ra cắt / sao chép và dán, tìm và thay thế, và nhiều hơn nữa, là cựu nhà nghiên cứu của Xerox, Larry Tesler”, công ty đã thông báo trên Twitter như vật. “Ngày làm việc của bạn dễ dàng hơn nhờ những ý tưởng mang tính cách mạng của ông ấy.”
Ông Tesler sinh ra ở Bronx, New York, vào năm 1945 và học tại Đại học Stanford ở California.
Sau khi tốt nghiệp, ông chuyên thiết kế giao diện người dùng – nghĩa là làm cho hệ thống máy tính trở nên thân thiện hơn với người dùng.
Ông đã làm việc cho một số công ty công nghệ lớn trong suốt sự nghiệp dài của mình. Ông bắt đầu tại Trung tâm nghiên cứu Xerox Palo Alto (Parc), trước khi Steve Jobs “nẫng” ông về cho Apple, nơi ông đã dành 17 năm và vươn lên trở thành nhà khoa học chính ở Apple.
Sau khi rời Apple, ông đã thành lập một công ty khởi nghiệp giáo dục và làm việc tại Amazon và Yahoo trong thời gian ngắn.
Có thể lệnh cắt và dán nổi tiếng nhất của ông Tesler dựa trên phương pháp biên tập trên giấy, ở đó mọi người sẽ cắt một phần văn bản in và đem dán chúng ở nơi khác.
Lệnh này được tích hợp trong phần mềm của Apple trên máy tính Lisa vào năm 1983 và Macintosh bản gốc được phát hành vào năm sau đó.
Một trong những niềm tin vững chắc nhất của ông Tesler là các hệ thống máy tính nên ngừng sử dụng “chế độ” (mode), vốn phổ biến trong thiết kế phần mềm vào thời điểm đó.
“Chế độ” cho phép người dùng chuyển đổi giữa các chức năng trên phần mềm và ứng dụng nhưng làm cho máy tính vừa tốn thời gian vừa phức tạp.
Niềm tin mãnh liệt đến nỗi trang web của ông Tesler được gọi là “nomodes.com”, tài khoản Twitter của ông là “@nomodes” và thậm chí biển số xe của ông là “nomodes”.
Theo: TriThucTre