Đến muộn vào ngày phỏng vấn xin việc chắc chắn là không nên nhưng điều đó không có nghĩa là cánh cửa cơ hội đã đóng lại với bạn. Khi ở trong tình thế đã muộn giờ, đừng quá hoang mang.
Hãy tiếp tục xuất hiện trước người phỏng vấn với sự chuyên nghiệp nhân đôi để bù đắp cho sai sót ban đầu bằng các gợi ý sau, bất kể bạn tham gia buổi tuyển dụng việc làm tiếng Trung hay ngành nghề nào khác.
Báo cho nhà tuyển dụng càng sớm càng tốt
Ngay khi nhận ra mình sẽ tới muộn, hãy gọi điện báo cho nhà tuyển dụng sớm nhất có thể. Đừng nói giảm nói tránh việc hay phán đoán nhầm thời gian đi muộn của bạn. Nhiều người có thói quen nói “5 phút nữa tôi sẽ có mặt”, trong khi thực tế họ mất nhiều thời gian hơn thế. Có sự khác biệt lớn giữa 5, 15, hoặc 30 phút. Hãy báo chính xác nhất có thể về thời điểm bạn nghĩ rằng bạn có thể tới nơi.
Bên cạnh đó, khi gọi điện thông báo, bạn cần hỏi ý kiến nhà tuyển dụng xem họ có thể tiến hành phỏng vấn vào khung giờ bạn đến hay không. Ai cũng có lịch trình cho mỗi ngày. Nếu bạn được hẹn lúc 2 giờ 30 phút chiều và xuất hiện lúc 3 giờ, điều đó sẽ làm xáo trộn lịch trình của người phỏng vấn. Gọi xin phép nhà tuyển dụng trước khi đến cho thấy bạn tôn trọng thời gian và công việc của họ.
Dành thêm một phút để bình tĩnh lại
Ngay cả khi đã đi trễ, đừng xuất hiện trước người phỏng vấn trong tình trạng thở không ra hơi, mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc rối bời. Hãy dành thêm một, hai phút để làm bất cứ điều gì bạn cần để bình tĩnh lại. Chẳng hạn như uống một cốc nước, vào nhà vệ sinh chỉnh trang đầu tóc quần áo, hoặc chỉ để hít thở một chút… Đừng để một sai sót ban đầu định đoạt toàn bộ buổi phỏng vấn của bạn. Hãy bật lại chế độ chuyên nghiệp và bước vào phòng phỏng vấn trong trạng thái tốt nhất.
Chân thành xin lỗi, không bao biện
Hành động đi trễ thể hiện sự thiếu tôn trọng thời gian của người phỏng vấn, nên một lời xin lỗi chân thành là không thể thiếu. Hãy xin lỗi nhà tuyển dụng khi gọi điện báo về việc đi muộn. Và khi bạn tới nơi phỏng vấn, hãy xin lỗi một lần nữa. Sau buổi phỏng vấn, bạn cũng có thể gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng và xin lỗi họ một lần nữa.
Quan trọng là hãy xin lỗi ngắn gọn, trung thực về sai sót của mình thay vì viện ra lí do. Nếu nguyên nhân đi muộn của bạn không thực sự hợp tình hợp lý, đừng cố gắng trình bày dài dòng để biện minh. Người phỏng vấn sẽ đánh giá cao những ứng viên biết thành thật nhận lỗi.
Giữ tinh thần tích cực
Sau khi đã xin lỗi vì tới trễ, hãy tạm quên nó đi và dồn toàn bộ sự tập trung vào buổi phỏng vấn. Bạn sẽ không thể trả lời tốt nếu cứ áy náy suy nghĩ về sai sót đi muộn của mình. Buổi phỏng vấn sắp diễn ra này sẽ là cơ hội để bạn “sửa sai”. Hãy bình tĩnh giải quyết các câu hỏi người phỏng vấn đặt ra để xóa tan ấn tượng tiêu cực về một ứng viên trễ giờ. Chỉ cần bạn giữ vững phong độ, thể hiện được năng lực của mình, người phỏng vấn sẽ không đặt nặng chuyện đi muộn của bạn nữa.
Cách bạn thích ứng với một tình huống căng thẳng cũng nói lên rất nhiều điều về bạn với tư cách là một nhân viên. Nếu bạn đến trễ trong buổi phỏng vấn xin việc, rất có thể bạn sẽ trễ hẹn với khách hàng của công ty trong tương lai. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn sẽ ứng xử thế nào trong trường hợp đó. Và cách bạn trả lời phỏng vấn một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp sau khi đến muộn cũng phần nào cho thấy sự linh hoạt của bạn.
Hiểu cho nhà tuyển dụng
Như đã nói, việc bạn đến muộn có thể ảnh hưởng đến lịch trình khác trong ngày của nhà tuyển dụng. Vì vậy, bạn cần hết sức tôn trọng những sắp xếp mới của họ. Nếu nhà tuyển dụng phải rút ngắn thời gian buổi phỏng vấn của bạn, hãy cố gắng diễn đạt các câu trả lời của bạn ngắn gọn và súc tích, đừng lan man ngoài lề. Nếu họ yêu cầu bạn đợi họ xử lý một công việc khác trước, hoặc đề nghị rời lịch phỏng vấn sang một ngày khác, hãy linh hoạt đồng ý. Và vào ngày bạn đến phỏng vấn lại, đừng đi muộn nhé!
Tuy bạn đã có một khởi đầu không suôn sẻ nhưng đừng bỏ cuộc! Hãy bước vào buổi phỏng vấn xin việc với 100% năng lượng và chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là một ứng viên sáng giá.
Hà Phương