Eric TM (tên thật Nguyễn Hoàng Giang) đã có những chia sẻ xoay quanh cuộc sống của mình.
Xem thêm:
- Update chuyện tình cảm của cầu thủ: Tiến Dũng rước nàng…
- Phạm Thị Ngọc Quỳnh đảm nhiệm vai trò Phó ban tổ…
Từng giành học bổng $230,000 trong 4 năm tại Haverford College (Mỹ), học bổng £47,000 trong 2 năm tại the Royal School Wolverhampton (Anh), học bổng £40,000 trong 2 năm tại Ruthin School (Anh), học bổng toàn phần ASSIST trong 1 năm học tại Mỹ…. Cộng thêm 10 năm kinh nghiệm trong việc giúp đỡ học sinh đạt học bổng cao, chỉ ngần ấy thành tích cũng đủ để Nguyễn Hoàng Giang (Eric TM) trở thành “con nhà người ta” điển hình trong mắt nhiều người.
Mới đây, chàng trai 27 tuổi này còn xuất sắc đạt thành tích 119/120 ở bài thi TOEFL định dạng mới (tương đương với 9.0 IELTS). Dẫu vậy, anh vẫn kiên trì với con đường trở thành life trainer – huấn luyện viên cuộc sống, một ngành nghề còn quá mới mẻ ở thị trường trong nước
Tất nhiên, thành công nào mà không có chông gai, trái ngọt nào mà dễ hái, Hoàng Giang cũng không ngoại lệ. Hãy cùng nghe những chia sẻ của anh chàng để hiểu rõ hơn nhé!
Trước đây khi học cấp 3, bạn có phải là người luôn giữ phong độ tốt nhất? Kiểu như “con nhà người ta” trong truyền thuyết?
Nói không ai tin nhưng mình là học sinh cá biệt từ hồi còn bé. Đỉnh cao nhất là việc bố mẹ không bao giờ họp phụ huynh trong suốt thời gian mình ở Việt Nam mà toàn nhờ hàng xóm đi hộ. Mọi thứ đều hoạt động trên nền tảng tin tưởng, động viên.
Ngoài ra, mình chúa ghét đi học thêm, chỉ học trên lớp là đủ. Có đi học thêm thì cũng phải do mình thích. Ví như hồi đó các bạn cùng lớp chuyên rất chăm học ngữ pháp và cấu trúc, còn bản thân mình tìm đến giáo viên bản xứ để học giao tiếp và viết luận – những thứ hoàn toàn không liên quan đến bài thi học sinh giỏi. Nên kết quả ra sao thì ai cũng biết, điểm thi học sinh giỏi của mình chỉ lẹt đẹt 5-6. Bù lại, mình thi học bổng lại đỗ. Rõ ràng mình không phải con nhà người ta. Nhưng nhờ hoạt động, tham gia ngoại khoá và kĩ năng sống mà cuộc sống của mình được những thành công như bây giờ.
Từ đâu mà bạn có ước mơ đi du học?
Bố mẹ đã truyền cảm hứng cho mình, kể cho mình nghe chuyện trước đây họ du học tuyệt như thế nào. Rồi dẫn mình đi gặp những cô chú đối tác cũng là những người giỏi để mình học hỏi.
Bên cạnh đó, mình có thần tượng noi theo ở bất kì lĩnh vực nào. Cứ nghĩ đến chuyện họ làm được thì chẳng có lý do gì mình không làm được. Thế là mình bắt tay vào thực hiện mọi thứ.
Tại sao lại chọn làm thầy giáo trong khi chính bạn cũng từng công nhận nghề này bị đánh giá thấp ở Việt Nam?
Thật lòng mình cảm thấy nghề giáo bị đánh giá thấp, nhưng mình không lo về vấn đề này lắm. Đối với mình, khách hàng – những cô cậu học sinh đặt niềm tin vào mình là quan trọng nhất. Nhiệm vụ của mình là làm sao để đem lại cho họ những thứ tốt đẹp mà họ xứng đáng nhận được.
Giả sử trong một lớp, giáo viên đến trễ, giáo viên xin nghỉ vì bất cứ lý do gì nhưng không báo trước 48 tiếng. Học sinh sẽ nhận được lớp học miễn phí. Trong tuần đầu đi học, nếu học sinh không thích có thể bỏ lớp và nhận được tiền đã đóng. Về phần học sinh, các bạn đi trễ dù một giây cũng sẽ không được vào học. Nhờ vậy mà sau thời gian đầu, ai cũng tập được thói quen đúng giờ.
Mình đặt ra chuẩn cao cho mình, cho cả các khách hàng thì kết quả sẽ tốt hơn, thành công hơn.
Tổng thời gian mà bạn đã gắn bó với công việc này?
Nếu nói không chính thức thì từ 2009 mình đã giúp đỡ nhiều bạn đạt học bổng. Đến 2015 mình về Việt Nam làm chuyên nghiệp toàn thời gian.
Nếu là một người nhận học bổng du học thì chắc bạn bè của bạn hiện đang làm việc cho những công ty lớn? Có bao giờ bạn cảm thấy thua thiệt?
Không, công việc hiện tại của mình là thứ giao của ba điều = thứ mình đam mê + thứ mình giỏi + thứ mình mang ra được nhiều giá trị cho cộng đồng và được trả công xứng đáng. Giây phút học sinh báo đậu học bổng, kể mình nghe cuộc sống của họ đã thay đổi thế nào khiến mình cảm thấy vui, cảm thấy mình đang đi đúng hướng. Và đương nhiên hiện tại, mình cũng đang cố gắng xây dựng hệ thống để sau này có thể đào tạo được huấn luyện viên có khả năng giảng dạy như mình đang làm.
Gia đình bạn có ý kiến gì không?
Bố mẹ mình và anh mình đều rất ủng hộ, đó là điều mình may mắn nhận được. Còn về phần học sinh mình thấy nhiều em không được như thế. Gia đình không ủng hộ lại còn gây áp lực. Mà chính ra nếu không có những áp lực không cần thiết đấy thì con em đã có thể làm tốt hơn rất nhiều.
Nhiều học sinh từng khóc trước mặt mình vì bố mẹ mong con những cái vô lý, không trân trọng sự cố gắng của con. Ví dụ bố mẹ hay đọc báo thấy ai đứng nhất lại nghĩ con mình cũng sẽ được thế. Nhưng đó chỉ là 1% của xã hội, ai cũng tranh nhau 1% thì 99% còn lại dành cho ai.
Nghề life trainer (huấn luyện viên cuộc sống- PV) còn mới ở nước ta. Trước đây bạn có sợ nó sẽ không được mọi người đón nhận?
Buồn cười một cái là mình không hề nghĩ như vậy nhưng rất nhiều người thắc mắc về câu hỏi này. Tuy nhiên vào thời điểm đấy thì mình đã làm được một thời gian, có khách hàng rồi nên cũng quan tâm nhiều.
So với những mục tiêu ban đầu đã đặt ra, bạn đã làm được bao nhiêu trên 10?
Mình không đặt ra đích đến cuối cùng nên cũng khó mà nói được bao nhiêu trên 10. Thật ra cố gắng là chuyện cả đời, cái mình muốn làm là dạy cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng những bạn trẻ muốn du học. Tới hiện tại, mình vẫn đi trên con đường chứng minh mình đúng để mọi người tin tưởng mình hơn.
Thu nhập hiện tại của bạn đến từ những nguồn nào?
Đến từ những bạn không chỉ có định hướng du học Mỹ mà còn mong muốn thay đổi cuộc đời. Ngoài ra mình còn sở hữu một hãng cà vạt. Nhưng hiện tại mình không trực tiếp đứng ra làm mà các bạn học sinh muốn có trải nghiệm thực tế, mình sẽ hỗ trợ các bạn làm việc ở đấy.
Thông thường một ngày của bạn bắt đầu và kết thúc như thế nào?
Đầu tiên là vệ sinh cá nhân xong ngâm mình trong bể lạnh 5-10phút. Cái bể lạnh này mình xây cho học trò để các bạn có thể rèn luyện sức khoẻ cũng như tăng khả năng chịu đựng cao hơn. Tiếp theo mình sẽ nghe đi nghe lại những video có năng lượng tích cực mình muốn hướng đến. Rồi đi làm, bắt đầu từ 9h sáng đến 5h chiều. Sau khi xong việc, mình sẽ đi đọc sách hoặc trò chuyện với bạn bè, hoặc cũng có thể làm việc thêm.
Bạn có thấy mình bị “quá tải” không?
So với nhiều người thì nó có thể tính là bận nhưng với mình thì không. Được làm thứ mình thích là hạnh phúc rồi. Lỡ một ngày không còn gì để làm chắc tẻ nhạt lắm, tại mình sợ cảm giác không còn có ích, đóng góp được giá trị gì.
Cảm ơn bạn về những chia sẻ đầy thú vị trên!