Xoay quanh chuyến bay gặp nạn vì virus gây bệnh dịch, phim Hàn Quốc ‘Emergency Declaration’ (Hạ cánh khẩn cấp) khắc họa sức sống quyết liệt của con người giữa hiểm họa chết chóc.
Cùng đề tài tình cảm lãng mạn, phim giả tưởng về thảm họa là một trong những đặc trưng của điện ảnh Hàn Quốc. Nếu như Cô nàng ngổ ngáo hay Cổ điển thể hiện sự mộng mơ của người Hàn, các tác phẩm như Train to Busan, The Host lại cho thấy dường như những tâm hồn nơi đây luôn thường trực nỗi bất an về sự diệt vong. Và khi thảm họa như zombie hay dịch bệnh xảy đến, một câu hỏi luôn được đặt ra: liệu tình yêu – điều làm cho con người trở nên người hơn – có thể tồn tại, hay nó sẽ bị bản năng sinh tồn của mỗi cá nhân chèn ép.
Vẫn tiếp tục nỗi trăn trở ấy nhưng bộ phim Emergency Declaration đặc biệt hơn nhờ cốt truyện có nhiều phần liên hệ với đại dịch Covid-19 trong hai năm gần đây. Bộ phim mở ra bối cảnh ở một sân bay đông đúc. Ở đó, tiến sĩ sinh học Jin Seok âm mưu khủng bố một chuyến bay bằng cách phát tán loại virus có khả năng lây lan nhanh và gây tử vong trong thời gian ngắn. Sau khi lên được chuyến bay từ Seoul tới Hawaii, Jin Seok lập tức phát tán virus và nhanh chóng khiến tất cả mọi người trên máy bay nhiễm bệnh.
Từ đó, không gian kín của máy bay vừa là nhà giam nhốt hàng trăm con người đang chết dần, vừa là khu cách ly đối với những người ở dưới mặt đất, bởi một khi virus phát tán ra bên ngoài, hiểm họa là không thể lường được. Khi tất cả mọi người hoặc là dần tuyệt vọng, hoặc là quay lưng lại với những hành khách xấu số, chỉ còn ba người không ngừng cố gắng hết sức tìm cách hạ cánh máy bay an toàn. Đó là Jae Hyeok (Lee Byung Hun thủ vai), In Ho (Song Kang Ho thủ vai) và Sook Hee (Jeon Do Yeon thủ vai).
Một phi công từng có kinh nghiệm hạ cánh khẩn cấp, một cảnh sát phải tìm ra những khuất tất đằng sau vụ khủng bố, một chính trị gia luôn tin rằng máy bay cần phải hạ cánh, họ là đối trọng lẻ loi của thảm họa đang dần ăn mòn tình người như một thứ dịch bệnh.
Kịch bản của Emergency Declaration gợi nhiều điểm tương đồng với Train to Busan. Hành trình vượt qua thảm họa của phim song hành với quá trình thay đổi bản thân của nhân vật chính. Nhân vật của Lee Byung Hun cũng giống với vai diễn của Gong Yoo trong Train to Busan: đều là ông bố yêu thương con, đôi khi có phần ích kỷ. Sự chuyển biến của nhân vật chỉ đến khi họ phải đối đầu với những con người ích kỷ đến tàn nhẫn khác trên chuyến đi. Lúc này, họ đành phải chịu thua và chấp nhận bị “nhốt” chung với những người đang nhiễm bệnh nặng khác.
Tuy không thể bảo đảm an toàn cho con nhưng khi từ chối đứng chung hàng ngũ những con người ích kỷ kia, ông bố ấy lại gìn giữ được sự hồn nhiên và niềm tin vào tình người vượt lên trên ham muốn sinh tồn. Từ đó, câu chuyện phim như lời nhắc nhở cuộc sống này chỉ có ý nghĩa khi con người ta biết sống vì người khác, ngay cả trong những thời khắc biến loạn như dịch bệnh và thảm họa.
Cùng Bullet Train – bom tấn chỉ đặt bối cảnh trên một chuyến tàu mới ra rạp, Emergency Declaration là một minh chứng rằng sau đại dịch, nhiều nhà làm phim có xu hướng lựa chọn xây dựng câu chuyện trong những bối cảnh hết sức giới hạn. Điều này không chỉ là sự ảnh hưởng của một thời gian dài cách ly xã hội khiến việc sản xuất phim ở những không gian mở bị đình trệ, mà dường như chính các nhà làm phim đã có cái nhìn khác đi về những không gian hẹp sau một thời gian dài nhân loại phải sống trong cảnh hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Một chuyến tàu tốc hành hay một cái máy bay lơ lửng giữa bầu trời không hề hạn chế sự sáng tạo của các nhà làm phim. Trái lại, khi không thể chạy trốn ra khỏi không gian chật hẹp, nhân vật bị ép buộc phải tự soi chiếu vào mình. Ban đầu, nó có thể khiến nhân vật rơi vào trạng thái hoảng loạn. Nhưng khi đã dần quen và chấp nhận tình hình đó, họ dần tìm lại những điều quan trọng nhất đối với mình. Với Jae Hyeok, anh vượt qua nỗi sợ đi máy bay và biết cách quan tâm mọi người quanh mình. Với những hành khách khác, họ cũng thôi không còn trách cứ nhau và thậm chí, bất chấp nguy hiểm để cứu giúp lẫn nhau.
Sức quyến rũ của điện ảnh Hàn Quốc nằm ở khả năng dẫn dắt cảm xúc khán giả của những nhà làm phim. Emergency Declaration tiếp tục là minh chứng cho điều đó. Với việc xây dựng ba tuyến truyện khác nhau, nhà làm phim không chỉ có mục đích kể một câu chuyện có nhiều nút thắt để tạo sự bất ngờ cho khán giả. Mỗi tuyến truyện đều nói lên một vấn đề của thời đại, như sự vô tâm và xa cách của con người trong thời hiện đại hay việc đối đầu và vượt qua những chấn thương vật chất lẫn tâm lý do dịch bệnh gây ra.
Mỗi khi một nút thắt truyện được gợi mở, một vấn đề của thời đại lại được xoáy sâu vào để đẩy cảm xúc lên cao cho khán giả. Cảnh phim chính quyền Mỹ từ chối cho máy bay chở những người đang chết dần vì virus hạ cánh gợi nhắc nỗi đau chia cắt lẫn sự ích kỷ của con người thời kỳ dịch bệnh dài gây ra. Cảnh phim máy bay trở về Hàn Quốc trong ánh hoàng hôn chiếu rọi vào ánh mắt thẫn thờ của những con người đang dần chìm vào sự tuyệt vọng liền sau đó có lẽ là một trong những cảnh đáng nhớ nhất của tác phẩm.
Diễn xuất của dàn sao sáng giá là một trong những điểm thu hút nhất của phim. Với Lee Byung Hun, khán giả một lần nữa gặp lại anh trong một vai diễn trầm lắng và nhiều nội tâm. Nó khác với hình ảnh của một Lee Byung Hun có phần bạo lực trong những bộ phim đã làm nên tên tuổi của anh như I Saw Devil hay A Bittersweet Life. Thế nhưng, dù không còn lao vào những pha hành động đẫm máu, Lee Byung Hun vẫn mang dáng dấp anh hùng.
Người hùng ấy không chiến đấu vì chính nghĩa hay trả thù cho những bất công, mà gìn giữ tấm lòng nhân ái của mình khỏi những vấy bẩn của thời đại, từ đó truyền cảm hứng cho những người xung quanh sống thật đẹp. Khi một cuộc đại thảm họa xảy đến, khi những siêu anh hùng với sức mạnh siêu phàm cũng phải bất lực trước thời cuộc, chỉ những người hùng như Jae Hyeok mới “cứu” nhân loại khỏi sự sụp đổ.
Nguồn: Ngoisao.net