Khám phá những lễ hội lớn ở Đông Nam Á

Là một nơi nhiều kỳ quan màu sắc, truyền thống và tâm linh nên ngoài những nghi lễ hàng ngày của người dân, các lễ hội lớn ở Đông Nam Á cũng rất đáng để khám phá. 

Xem thêm:

Lễ hội Loy Krathong – Thái Lan

Loy Krathong còn gọi là hội hoa đăng, được đánh giá là một trong những lễ hội truyền thống lãng mạn nhất thế giới khi trên các con sông và cả bầu trời đều ngập tràn ánh sáng lung linh của hàng nghìn cây nến và đèn hoa đăng. Đối với người Thái Lan, ngày lễ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chứa đựng nhiều yếu tố thần thoại nhất của người Thái. Mỗi năm khi lễ hội Loy Krathong được tổ chức đã thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới đến tham gia.

Ảnh: luhanhliendaiduong.vn

– Địa điểm: Chiang Mai
– Thời gian: Ngày rằm tháng 12 âm lịch (Theo lịch âm của người Thái Lan)

Lễ hội tinh thần Bali Sprite – Bali

Lễ hội Bali Sprite như một ngày kỷ niệm hàng năm về yoga, khiêu vũ và âm nhạc, Nó có nguồn gốc từ nguyên tắc cốt lõi của triết lý Ấn Độ giáo của người Balani. Sự kiện quy tụ những người hướng dẫn yoga có cùng chí hướng và các học viên yoga từ Bali và trên thế giới về tham dự. Được tổ chức nhằm tôn vinh sự đa dạng sáng tạo và tinh thần, có sự pha trộn giữa văn hóa Indonesia và văn hóa phương Tây thể hiện qua nghệ thuật quốc tế của khiêu vũ và âm nhạc, các buổi hòa nhạc và biểu diễn đa màu sắc.

Ảnh: TripZilla Vietnam

Đến đây vào dịp này, du khách sẽ thấy từ sáng đến tối và qua những đêm đầy sao, có vô số hoạt động diễn ra như các lớp yoga, các hội thảo chánh niệm, khu trẻ em, âm nhạc từ các nghệ sĩ quốc tế và hội chợ Dharma,… với không khí hết sức sôi động.

– Địa điểm: Ubud, đảo Bali
– Thời gian: tuần đầu tháng 4

Lễ hội MassKara – Philippines

Còn được gọi là ngày của những nụ cười, lễ hội MassKara đã trở thành một lễ hội đặc sắc ở Đông Nam Á và vô cùng quan trọng đối với người dân Philippines, giúp đất nước này thu hút nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến tham dự.

Ảnh: Blog du lịch

Trong thời gian diễn ra lễ hội những vũ công khoác trên mình những bộ trang phục đầy màu sắc, đeo những chiếc mặt nạ với nụ cười rạng rỡ bằng vô số hạt màu lóng lánh cùng lông vũ. Cùng trình diễn nhiều điệu nhảy đường phố sôi động như  những lễ hội hóa trang ở các nước trên thế giới. Cùng với đó là các ban nhạc, nhóm nhảy trong trang phục sặc sỡ sẽ chơi nhiều điệu Latin và rất nhiều đồ ăn địa phương được phục vụ.

– Địa điểm: thành phố Bacolod, đảo Visayas, Philippines
– Thời gian: tháng 10 hàng năm

Lễ hội té nước Songkran – Thái Lan

Lễ hội Songkran đánh dấu năm mới của Phật giáo bằng các trận đấu nước thân thiện của người dân Bangkok kéo dài từ vài ngày đến một tuần trên các đường phố. Đó cũng là thời gian cho sự khởi đầu mới, làm sạch tâm linh, thăm đền, dọn dẹp nhà cửa, đoàn tụ gia đình.

Ảnh: 2Sao
Thông thường vào ngày đầu tiên của năm mới, người Thái sẽ làm công đức và sau đó đến thăm các ngôi đền địa phương, dâng thức ăn cho các nhà sư Phật giáo. Vào ngày này, họ sẽ đổ nước lên các bức tượng Phật và thanh niên và người già. Nước bắn tung tóe đại diện cho sự thanh lọc và rửa sạch tội lỗi và xui xẻo trong năm qua, rồi cùng chào đón năm mới với một khởi đầu mới tươi mới. Trong thời gian lễ hội này, hầu hết các tòa nhà văn phòng, ngân hàng, cửa hàng và nhà hàng sẽ không hoạt động.

– Địa điểm: đường Silom, Khao San, Bangkok
– Thời gian: 13 – 15/4

Lễ hội đua thuyền Bon Om Touk – Campuchia

Là một lễ kỷ niệm của Campuchia được tổ chức hàng năm nhằm đánh dấu sự đảo ngược dòng chảy của sông Tonlé Sap. Lễ hội diễn ra trong ba ngày, với điểm thu hút chính là các cuộc đua thuyền rồng quy mô lớn trên sông Tonlé Sap. Sẽ có hơn 400 chiếc thuyền với những tay đua thuyền được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cùng tham gia cuộc đua. Người dân và du khách sẽ đứng trên bờ hò hét, cỗ vũ.

Ảnh: iVIVU.com

– Địa điểm: Sông Tonlé Sap, thủ đô Phnom Penh, Campuchia
– Thời gian: Rằm tháng 11 hàng năm

Lễ hội Hindu Thaipusam – Malaysia

Ở Malaysia ngày này là ngày dành cho tín đồ của đạo Hindu. Lễ hội có ý nghĩa tôn vinh các vị thần tượng trưng cho đức hạnh, tuổi trẻ và sức mạnh đó là thần Subrahmanya hay thần Murugan. Trong ngày này có khoảng hơn một triệu tín đồ Hindu tập trung tại ngôi đền Batu, hang động núi đá vôi nằm ở ngoại ô Kuala Lumpur để làm lễ.

Ảnh: Kenh14
Điều đặc biệt của lễ hội chính là những màn trình diễn rùng rợn, họ xiên những vật sắc nhọn lên cơ thể, lấy móc sắt móc vào da thịt, đi trên đinh,… Với họ, đây chính là cách để minh chứng sự trong sạch và cũng là cách để gột rửa tội lỗi. Ngoài ra, còn có một hoạt động khác là rước kavadi – một cái khung được trang trí bằng giấy màu, kim tuyến, hoa tươi và trái cây, đây được xem là một hình thức ăn năn sám hối. Những người Hindu rước kavadi, khiêng lên 272 bậc tam cấp để đến ngõ vào của hang lớn và làm một cuộc hành hương đến động Batu.
Ảnh: Yong.vn

– Địa điểm: Chùa động Batu, Malaysia
– Thời gian: ngày rằm trong tháng thứ 10 theo lịch Tamil, thường rơi vào khoảng giữa tháng 1 đến đầu tháng 2 Dương lịch

Lễ hội Giáng sinh miền nhiệt đới – Singapore

Vào dịp giáng sinh sắp tới, du khách có thẻ lựa chọn Singapore là điểm đến. Tại đây có lễ hội “Giáng sinh miền nhiệt đới” được tổ chức thường niên và cũng là lễ hội lớn ở Đông Nam Á thu hút nhiều du khách dịp cuối năm. Vào những ngày này, các đại lộ như Orchard và Vịnh Marina, Tanglin, Scotts, Bras Basah đều được thắp sáng lung linh, rực rỡ với những màn trình diễn hấp dẫn nhất. Không những thế, đây còn là thời gian để tất cả du khách có thể mua sắm thoải mái bởi có nhiều chương trình giảm giá lớn nhất năm.

Ảnh: haiautourist.com.vn
– Địa điểm: đại lộ như Orchard và Vịnh Marina, Tanglin, Scotts, Bras Basah, Singapore
– Thời gian: 24/12 (dịp giáng sinh)

Lễ hội thả diều quốc tế – Sarawak (Malaysia)

Theo quan niệm xưa, những con diều được sử dụng để đo khoảng cách, kiểm tra gió, báo hiệu và liên lạc cho các hoạt động quân sự. Nó cũng các nhà Phật giáo sử dụng để gửi lời cầu nguyện đến các vị thần trong các nghi lễ tôn giáo nhằm ngăn chặn các linh hồn xấu xa trên bầu trời.

Ảnh: TripZilla Vietnam

Ngày nay, chúng chủ yếu được sử dụng như một hình thức giải trí và là điểm nhấn của nhiều lễ hội truyền thống, sự kiện giải trí và các cuộc thi quốc tế. Tiêu biểu phải kể đến lễ hội thả diều quốc tế – Sarawak ở Malaysia. Sự kiện diễn ra trong không gian rộng lớn của sân bay Old. Hơn 400 người thả diều đến từ 25 quốc gia tham gia tranh tài để có cơ hội giành được những chiếc cúp sáng bóng. Các chương trình trong lễ hội bao gồm thả diều và thi đấu diều, hội thảo và biểu diễn ban đêm.

– Địa điểm: sân bay Old Bintulu, Sarawak, Malaysia
– Thời gian: 28/9 – 2/10 hàng năm

Lễ hội phóng tên lửa Boun Bang Fai – Viêng Chăn

Đúng như tên gọi, cứ đến tháng 6 ấm lịch hàng năm, người dân địa phương lại tụ tập phóng tên lửa lên không trung cầu nguyện với thần mưa. Họ tin rằng bằng cách này mưa sẽ đến và mang lại sự cứu trợ cho cánh đồng lúa của họ sau những tháng nóng nhất của mùa khô. Đây cũng là lễ hội lớn ở Đông Nam Á diễn ra trên khắp đất nước. Du khách có thể đến ở lại một hoặc hai ngày cùng tham gia với các gia đình địa phương tổ chức lễ hội.

Ảnh: mytour

– Địa điểm: Luông Pha Băng
– Thời gian: Tháng 6 âm lịch

Các nước trong khu vực Đông Nam Á không chỉ sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp hay nền văn hóa, ẩm thực độc đáo. Các lễ hội cũng thu hút đông đảo lượng du khách đến xem và trải nghiệm, hãy cùng khám phá ngay nào!

Theo: dulichvietnam