Vượt qua cả những ngôi đền, chùa nổi tiếng của Thái Lan hay Nhật Bản,… Chùa Trấn Quốc và chùa Bửu Long được tạp chí National Geographic (Mỹ) bình chọn là hai trong số những kiến trúc Phật giáo đẹp nhất thế giới.
Xem thêm:
Trong một bài viết mới đây, National Geographic – Tạp chí Địa lý Quốc gia Mỹ đã đưa ra danh sách những ngôi chùa Phật giáo sở hữu kiến trúc đáng ngưỡng mộ và đáng ghé thăm nhất trên thế giới. Đáng chú ý, hai các tên quen thuộc của Việt Nam là chùa Trấn Quốc (Hà Nội) và chùa Bửu Long (TP HCM) cũng nằm trong top này.
Chùa Trấn Quốc
Nằm trên hòn đảo phía đông Hồ Tây, nép mình bên đường Thanh Niên thuộc quận Tây Hồ, chùa Trấn Quốc được biết đến là một trong những ngôi chìa cổ nhất tại Hà Nội. Tồn tại ở đất Thăng Long từ thời Tiền Lý, đến nay đã 1500 năm, chùa Trấn Quốc được nhiều tạp chí du lịch thế giới từng ca ngợi là công trình Phật giáo đẹp, có kiến trúc tựa như một bông sen đang nở rộ.
Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen cao 15 m được xây dựng năm 1998. Tháp gồm 11 tầng, mỗi tầng có 6 ô cửa hình vòm, mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Phần đỉnh tháp là Cửu phẩm liên hoa – tháp sen 9 tầng tạc bằng đá quý. Ban đầu, chùa có tên gọi Khai Quốc, sau đó, đổi thành Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông với ý nghĩa đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Ngày nay, chùa Trấn Quốc là chốn linh thiêng thu hút nhiều tín đồ Phật tử, điểm đến lịch sử không thể bỏ quab đối với nhiều khách tham quan trong và ngoài nước.
Thiền viện Tổ Đình Bửu Long
Bên cạnh chùa Trấn Quốc, Thiền viện Tổ Đình Bửu Long hay chùa Bửu Long với kiến trúc đáng ngưỡng mộ cũng nằm trong top những kiến trúc Phật giáo đẹp nhất thế giới do National Geographic bình chọn.
Chùa Bửu Long nằm tại quận 9, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 20 km, với khuôn viên rộng hơn 11 ha, tọa lạc trên một ngọn đồi được bao quanh bởi thiên nhiên, rừng cây xanh mát. Khác với những điểm đến tâm linh tại Việt Nam cũng như trên thế giới, chùa Bửu Long là sự kết hợp giữa kiến trúc Ấn Độ, Myanmar, văn hóa Thái Lan và tinh hoa kiến trúc nhà Nguyễn.
Nổi bật nhất trong ngôi chùa là Bảo tháp chính của chùa mang tên Gotama Cetiya, cũng là bảo tháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 70 m cùng bốn tháp phụ xung quanh, được xây dựng theo kiến trúc cung điện Trước mặt tháp là hồ nước hình bán nguyệt với màu xanh ngọc, được xem là điểm nhấn giúp ngôi chùa thêm lộng lẫy.
Ngoài chùa Trấn Quốc và chùa Bửu Long, hãy cùng chiêm ngưỡng những kiến trúc đền chùa khác trên thế giới cũng được tạp chí National Geographic nhắc đến trong danh sách này.
Đền Trắng Wat Rong Khun (Thái Lan)
Đền Wat Rong Khun được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Chalermechai Kositpipat nổi bật giữa Chiang Rai, Thái Lan với kiến trúc vô cùng ấn tượng và màu trắng thuần khiết, bên cạnh đó được trang trí với các mảnh thạch cao và thủy tinh lấp lánh. Cho đến nay mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện những công trình phụ khác trong khuôn viên chùa, Wat Rong Khun vẫn luôn là điểm đến không thể bỏ qua đối với bất kỳ du khách nào tới Chang Rai.
Chùa Seiganto-ji (Nhật Bản)
Tọa lạc tại tỉnh Wakayama, cao 3 tầng được xây dựng cạnh thác Nachi 133 m, thác nước đơn có dòng chảy không bị gián đoạn cao nhất Nhật Bản, ngôi chìa này là một trong những kiến trúc nổi tiếng thế giới từng được UNESCO công nhận. Nhìn từ xa, ngôi chùa tháp hiện lên bên cạnh thác nước sừng sững như sự hòa quyện hoàn hảo giữa nghệ thuật sáng tạo của con người với thiên nhiên, tạo nên khung cảnh tuyệt mỹ.
Tu viện Paro Taktsang (Bhutan)
Bhutan có nhiều tu viện và công trình Phật giáo linh thiêng, trong đó ngôi đền nổi tiếng Paro Taktsang, địa điểm linh thiêng của Phật giáo nằm trên dãy Himalaya, cheo leo bên vách đá của thung lũng Paro, Bhutan được nhiều tín đồ Phật giáo tìm đến hành hương. Trên đường dẫn lên tu viện Paro Taktsang, du khách sẽ nhìn thấy làng Lakhang và chùa Urgyan Tsemo tọa lạc trên một khu núi đá khá bằng phẳng, sau đó là thung lũng Paro tuyệt đẹp.
Quần thể đền đài Angkor Wat (Campuchia)
Nhắc đến những kiến trúc Phật giáo nổi bật nhất thế giới, không thể thiếu quần thể đền Angkor Wat, nằm cách Siem Reap khoảng 6 km về phía bắc, Campuchia. Sự rộng lớn của công trình được nhiều người mô tả như thiên đường nơi hạ giới với diện tích kéo dài hơn 400 km2, bao quanh bởi một hào nước sâu và rộng.
Toàn bộ Angkor Wat được xây bằng đá sa thạch và đá tổ ong, nổi bật và đặc trưng với lối điêu khắc cổ đại. Dù trải qua nhiều thế kỷ, những ngôi đền trong quần thể vẫn gìn giữ được vẻ đẹp và thường xuyên có người đến thờ cúng. Angkor Wat được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1992.
Theo: dulichvietnam.com